Cảnh báo nguy hiểm của biến thể SARS-CoV-2 mới phát hiện tại Việt Nam

GD&TĐ - Đợt dịch lần này virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp...

Xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Bộ Y tế.
Xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Bộ Y tế.

Việt Nam đang trải qua đợt dịch COVID-19 thứ 4 với những diễn biến khó lường. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, tính đến trưa 5/6, nước ta đã ghi nhận 5.340 trường hợp mắc COVID-19 từ 27/4 đến nay, với các biến thể mới.

Số lượng ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng trong những ngày qua, đặc biệt là tại các khu vực điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh.

Qua phân tích mẫu bệnh phẩm các ca mắc COVID-19 tại Bắc Ninh đều là biến thể Ấn Độ, biến thể mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác, khiến nhiều người mắc bệnh.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sáng 4/6 thông báo kết quả giải trình tự gene virus hai anh em bệnh nhân từ Long An, ghi nhận nhiễm biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.

Trước đó, ngày 24/5, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay thành phố đã tiếp cận được 8.374 người để xét nghiệm kiểm tra và các ly y tế theo quy định và còn 8 địa điểm đang bị phong tỏa để phòng chống dịch vì có liên quan đến các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 mới.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, qua giải mã nhanh bộ gene của SARS-CoV-2 của hai chùm ca bệnh mới phát hiện tại TP Hồ Chí Minh thì chuỗi ca bệnh ở Quận 3 là BN 4.780 nhiễm biến chủng Anh - biến chủng đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam.

Chuỗi ca bệnh là BN 4.583 Quận 7 và BN4.514 ở Thủ Đức nhiễm biến chủng Ấn Độ. 

Như vậy, đây là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh gồm biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh.

Mức độ nguy hiểm, cơ chế lây lan của chủng virus SARS-CoV-2 lần này

TS.BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có những đánh giá, phân tích rõ hơn về mức độ nguy hiểm của chủng virus mới trên báo SKĐS.

Theo đánh giá của ông Hoàng Minh Đức, nhóm lây nhiễm tại khu/cụm công nghiệp, công ty ngoài khu công nghiệp:

Đến nay, các ca bệnh được ghi nhận tại 35 công ty thuộc 6 khu/cụm công nghiệp trên địa bàn 6 huyện/thị xã/thành phố. Các ca bệnh tại 4 khu công nghiệp Yên Phong, Tiên Sơn, Thuận Thành, VSIP đã xác định được nguồn lây liên quan đến ổ dịch xã Mão Điền, huyện Thuận Thành.

2 khu công nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và cần tăng cường các biện pháp kiểm soát là Khu công nghiệp Quế Võ và đặc biệt tại cụm Công nghiệp Khắc Niệm.

TS.BS Hoàng Minh Đức cho biết, đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2, bao gồm các chủng phổ biến tại Châu Âu, Châu Phi, Anh và Ấn Độ. Trong đợt dịch từ ngày 26/4o, Việt Nam ghi nhận 2 biến chủng gây quan ngại là biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2) và biến chủng Anh (B.1.1.7).

Trong đó, biến chủng Ấn Độ được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại”. Biến chủng B.1617.2 có khả năng lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng ở Anh (B.1.1.7). Biến chủng Ấn Độ này đã được ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh thành khác.

Theo the Lancet và The New England Journal Medicine, biến chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, vào khoảng 2-4 ngày; so với các chủng trước đó có thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày. Tức là sau 2-4 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh, người bệnh có khả năng lây truyền sang cho người khác.

Thực tế đánh giá đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam cho thấy, tốc độ lây lan của biến chủng Ấn Độ rất nhanh, đặc biệt trong các môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người như đám cưới, đám ma, quán karaoke, khu công nghiệp. Có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng và đã có khả năng lây lan cho người khác.

Như tại Bắc Giang, từ 1 công nhân bị nhiễm bệnh, chỉ sau 5 ngày đã lây lan hàng trăm người khác tại nhiều công ty trong khu công nghiệp. Trên chuyến bay VN160, đã ghi nhận các trường hợp mắc có vị trí ngồi xa so với trường hợp mắc bệnh, khác hẳn so với đợt dịch trước đó.

Về độc lực của biến chủng này, bước đầu cho thấy tỷ lệ người mắc có triệu chứng cao hơn so với các đợt dịch trước. Song, các biểu hiện lâm sàng nặng gây tử vong đang được đánh giá.

Việt Nam xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống COVID-19 diễn ra sáng 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã xuất hiện thêm biến chủng SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 có sự xuất hiện đa chủng virus. Hai chủng phổ biến nhất là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh, trong đó chủng Ấn Độ chiếm đa số, chủng Anh chỉ xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Bộ trưởng Y tế đánh giá đột biến này rất nguy hiểm. Tới đây Việt Nam sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Y tế đánh giá đột biến này rất nguy hiểm. Tới đây Việt Nam sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới. Ảnh: TTXVN

Với sự xuất hiện biến chủng mới, Việt Nam đã lưu hành 8 biến chủng của nCoV, bao gồm: Chủng Vũ Hán, D614G ở châu Âu, B.1.1.7 từ Anh, chủng B.1.351 ở Nam Phi, B.1617 từ Ấn Độ, B.1.619 từ châu Phi, chủng B.1.222 và biến chủng mới vừa xuất hiện chưa được đặt tên.

Lý giải nguyên nhân khiến dịch diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đặc điểm dịch tễ của đợt dịch này có một số vấn đề khác, như đa ổ dịch, đa hình thái và đa chủng.

Đa ổ dịch tức là cùng một thời điểm xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau tại các địa phương. Đa hình thái nghĩa là có hình thái nổi trội lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp vào khu dân cư và ngược lại.

Về việc có đa chủng virus, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo đợt dịch lần này tại thành phố ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng nguy hiểm Anh và Ấn Độ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch lần này virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ