Loại sữa đa dạng công dụng?
Phản ánh tới GD&TĐ, nhiều phụ huynh học sinh cho biết, thời gian vừa qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube đang tràn làn những hình ảnh của nghệ sỹ Q.L, N.Q hay Phó Giáo sư, bác sỹ T.Đ.T... Theo đó, những lời lẽ "có cánh", “thần thánh” hoá công dụng loại sữa hạt xương khớp Ovisure Gold của CTCP dược mỹ phẩm Galien là có thể chữa bệnh xương khớp, thoái hóa khớp, bệnh thấp khớp, phục hồi mô sụn, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, tốt cho tim mạch…
Chính việc sử dụng hình ảnh của một số nghệ sỹ, diễn viên (chưa xác định có được sự đồng ý của nghệ sỹ, diễn viên hay không) đi kèm với việc “thần thánh” hoá công dụng thông qua việc quảng cáo sữa Ovisure Gold đã khiến người tiêu dùng tin theo. mua sản phẩm về sử dụng.
Ông Nguyễn Đức B. (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tin tưởng vào lời tư vấn của nhân viên công ty, kèm theo đó là những hình ảnh do các nghệ sĩ quảng cáo về loại sản phẩm này. Ông B. đã mua liệu trình gồm 3 hộp sữa có giá 2.300.000 VND. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hết 3 hộp thì tình trạng thoái hoá khớp của ông B. vẫn không thuyên giảm.
Để tìm hiểu thêm về công dụng của loại sữa Ovisure Gold, trong vai khách hàng, phóng viên đã liên hệ tới Hotline 0981106996 để được nghe tư vấn. Ở đầu dây bên kia, một phụ nữ tự nhận là nhân viên của công ty cho biết, sữa Ovisure Gold hiện đang bán với giá 790.000 đồng/ 1 hộp. Nếu mua 1 cặp sẽ là 1.580.000 đồng, còn mua 3 lon sẽ được tặng 1 lon với giá 2.370.000 đồng, mua 5 lon sẽ được tặng 2 lon với giá 3.950.000 đồng.
Người này giới thiệu thêm, nguyên liệu, thành phần để tạo ra sản phẩm được nhập khẩu từ Mỹ gồm các nguyên liệu như: Nghệ (cucumin); hạt chia; hạt sachi; đậu đỏ; đậu xanh; hạt cỏ cà ri (Methi); táo đỏ; hạt sen; óc chó; gạo lứt; đậu biếc; yến mạch; inulin (chất bột có trong nhiều loại trái cây, rau quả); FOS (chất xơ, chất tạo ngọt có trong nhiều loại thực vật); MSM (hóa chất có trong cây cỏ, động vật); AquaminF (khoáng chất từ rong biển); Vitamin D3; Vitamin K2; đậu nành; hạnh nhân; muối; hương liệu tổng hợp.
Điều đáng nói, trong quá trình tư vấn cho phóng viên, người này cũng giới thiệu hàng loạt những công dụng của loại sữa này giống như một thứ thuốc trị được bách bệnh.
“Nếu uống theo liệu trình thì sữa Ovisure Gold của bên em sẽ điều trị được các bệnh tê bì chân tay, cải thiện các chức năng gan, dạ dày, hỗ trợ viêm xương khớp, thoái hóa khớp, bệnh thấp khớp, phục hồi mô sụn, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, tốt cho tim mạch.
Đặc biệt giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, nhất là người ăn kiêng, béo phì, ngăn ngừa ung thư... Nếu như mua cho người lớn tuổi chỉ cần uống từ 4 đến 12 tuần sẽ dần dần thấy được công dụng của sữa?”, vị này nói.
Theo điều tra của GD&TĐ, sản phẩm Ovisure Gold được đăng ký công bố là thực phẩm bổ sung nhưng người cầm số hotline: 0981106996 lại tư vấn và khẳng định với phóng viên là sữa hạt xương khớp Ovisure Gold hỗ trợ điều trị được các bệnh về xương khớp, thoái hoá khớp tê bì chân tay có dấu hiệu vi phạm quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.
Công ty không quảng cáo và không chịu trách nhiệm...
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Năm 2024, Chi cục đã kiểm tra CTCP dược mỹ phẩm Galien tại số nhà 7, ngách 207/7/6, phố Bùi Xương Trạch có văn phòng đại diện tại số 21 phố Lê Văn Lương thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân TP Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra Công ty đã xuất trình Giấy đăng ký kinh doanh, bản tự công bố sản phẩm Ovisure Gold, hợp đồng gia công sản phẩm với Công ty CP Thương mại và sản xuất Nature Made; hóa đơn nhập và xuất bán sản phẩm từ ngày 01/01/2024 đến thời điểm kiểm tra.
Văn bản của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng thông tin về nội dung quảng cáo thực phẩm: Đại điện công ty báo cáo chỉ sử dụng duy nhất 01 website để đăng tải thông tin về sản phẩm để bán hàng dưới dạng thương mại điện tử trên trang http://ovisuregold.vn//. Công ty cam kết không quảng cáo sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo trên.
Bên cạnh đó, thông tin từ Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết thêm: “Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Nature Made có địa chỉ tại số 277 đường Đào Cam Mộc, xã Uy Nỗ huyện Đông Anh.
Kết quả kiểm tra Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Nature Made không đăng ký công bố, tự công bố các sản phẩm tại chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, công ty chỉ gia công sản xuất các sản phẩm thực phẩm, không tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm...”.
Theo nội dung văn bản cung cấp thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội có thể thấy, toàn bộ những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đều không phải của Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm Galien và Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Nature Made đều không chịu bất kỳ trách nhiệm gì về những quảng cáo này.
Theo chuyên gia pháp lý, vấn đề quản lý và xử phạt quảng cáo sai sự thật về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Việc này thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý khác. Các cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quảng cáo sai sự thật.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm soát cũng như thanh tra, kiểm tra đối với các trường hợp sai phạm, tuy nhiên quá trình kiểm tra, xử lý về quảng cáo sai sự thật thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng vẫn gặp nhiều bất cập, khó khăn trong việc thu thập đầy đủ thông tin về quảng cáo, xác minh tính chính xác của thông tin, và thu thập bằng chứng. Ngoài ra, còn có thể phải đối mặt với sự chống đối từ phía các nhà sản xuất hoặc những người có lợi ích liên quan.
Trước thực trạng trên rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ những quảng cáo, tư vấn bán hàng có dấu hiệu thổng phòng công dụng về loại sữa hạt xương khớp Ovisure Gold. Việc quảng cáo như là thuốc chữa bệnh này không liên quan đến CTCP dược mỹ phẩm Galien. Vậy ai, tổ chức nào đứng sau, hưởng lợi từ việc "thần thánh", "thuốc hóa" thực phẩm này? Những vấn đề này cần được cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ.
Việc quảng cáo thực phẩm được quy định chặt chẽ tại Luật Quảng cáo năm 2012; Nghị định 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP; Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để được xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.