Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 29,56m (dưới BĐ 1: 0,44 m) và đang xuống; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đang lên chậm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 7 giờ ngày 11/7, lưu lượng nước đến hồ Lai Châu ở mức 2420 m3/s, đến hồ Sơn La 4930 m3/s. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái 29,25m (dưới BĐ 1: 0,75 m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu 2,93 m, trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 3,15 m. Dự báo trong ngày 12/7, lưu lượng nước trên sông Đà đến hồ Lai Châu sẽ tăng lên mức 2.400 m3/s, đến hồ Sơn La sẽ giảm xuống mức 4.050 m3/s. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống mức 28,90 m (dưới BĐ1: 1,1m), trên sông Cầu tại Đáp Cầu lên mức 3,75 m (dưới BĐ1: 0,55m), trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương lên mức 3,79m (dưới BĐ1: 0,51 m).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, gồm Lai Châu (nguy cơ cao): Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, TP Lai Châu;
Điện Biên (nguy cơ cao): Mường Nhé, Mường Lay, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông; Sơn La (nguy cơ đặc biệt cao): Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã; Hà Giang (nguy cơ cao): Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Mèo Vạc;
Tuyên Quang (nguy cơ cao): Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao): Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng; Yên Bái (nguy cơ cao): Trạm Tấu, Mù Căng Chải;
Cao Bằng (nguy cơ cao): Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Nguyên Bình; Thái Nguyên (nguy cơ cao): Định Hóa, Võ Nhai; Bắc Kạn (nguy cơ cao): Ba Bể, Ngân Sơn, Pắc Nặm, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì.
Thông tin cũng cho biết do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, nên từ ngày 11/7 đến hết ngày 12/7, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, vùng núi mưa to và rải rác có dông với tổng lượng mưa ở vùng núi, trung du phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm. Thời gian mưa lớn xảy ra tập trung vào đêm và sáng sớm. Trong đó, khu vực Hà Nội trong khoảng thời gian này, chiều tối và đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng nêu rõ, đợt mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa; mưa lớn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc còn có khả năng kéo dài.
Trước đó, theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 7 - 9/7 khiến 9 người chết và 2 người đang mất tích. Trong đó, Thái Nguyên có 4 người, Hà Giang 3 người, Điện Biên 2 người và Hòa Bình 1 người. Hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang mỗi tỉnh có 1 người mất tích. Mưa lũ cũng đã làm 80 nhà dân bị thiệt hại, sạt lở hơn 48.000 m3 đất đá đường giao thông, bảy cầu cống hư hỏng, hàng trăm hecta lúa và hoa màu ngập úng. Ước tính thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.