Nguyên nhân do nó có chứa các hạt graphene cực nhỏ. Hít phải graphene có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng...
Graphene độc thế nào?
Theo thông tin lan truyền, khẩu trang này được bán, phân phối bởi công ty Métallifer có trụ sở tại Quebec (Canada). Tuy nhiên, trong quá trình kiểm định chất lượng, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rằng loại khẩu trang dùng một lần này có chứa các hạt graphene cực nhỏ.
Graphene là một vật liệu rất mỏng, bền được sử dụng trong chế tạo, nhưng nó có thể gây hại cho phổi khi hít phải và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài.
Một nhóm các nhà sinh học, kỹ sư và khoa học vật liệu tại Đại học Brown đã thử nghiệm độc tính tiềm năng của graphene trên tế bào của người.
Những gì họ phát hiện là các cạnh lởm chởm của hạt nano graphene siêu sắc và siêu cứng có thể dễ dàng đâm xuyên qua màng tế bào trong phổi người, da và tế bào miễn dịch. Các vật liệu này có thể bị hít vào cơ thể vô ý hoặc chúng có thể được tiêm hay cấy ghép vào cơ thể dưới dạng các thành phần của công nghệ y sinh.
PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường Đại học Khoa học Tư nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, graphen hay graphene là tấm phẳng dày bằng một lớp nguyên tử của các nguyên tử carbon với liên kết sp2 tạo thành dàn tinh thể hình tổ ong.
Tên gọi của nó được ghép từ "graphit" (than chì) và hậu tố "-en" (tiếng Anh là "-ene"). Graphene có khả năng lấp đầy những lỗ hổng electron của nó bằng các electron khác gần như ngay lập tức. Có nghĩa là nó đã chuyển một lượng lớn điện tích trong một khoảng thời gian ngắn.
Graphene trong khẩu trang có kích thước chỉ vài nanomet, mỏng hơn sợi tóc người một triệu lần, dễ dàng cảm biến và ngăn chặn các hạt bắn li ti chứa phân tử virus.
Graphene là chất liệu hai chiều đầu tiên được tìm thấy trong tự nhiên, có độ cứng hơn thép 100 lần, mỏng như giấy, dẻo dai hơn nhựa và có khả năng chống thấm tốt đối với nhiều loại khí và chất lỏng. Tuy nhiên, tính an toàn của nó vẫn còn gây tranh cãi.
Lo lắng nguyên liệu làm khẩu trang nhập khẩu
PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, nguy hại nhất trên thị trường hiện nay không phải là đích danh loại khẩu trang được cảnh báo nêu trên. Lo nhất chính là nguyên liệu nhập khẩu để làm khẩu trang của các cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng. Nguyên liệu để sản xuất khẩu trang hiện nay của nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Các nguyên liệu này rất khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ cũng như tính an toàn. Đó là chưa kể đến việc nhiều cơ sở sử dụng các loại vải sợi hóa học kém chất lượng. Khi dùng làm khẩu trang nó có thể tạo thành các vi hạt gây nhiễm độc đường hô hấp. Hay đơn giản nhất khi sản xuất khẩu trang, nguyên liệu không đủ sạch cũng gây hại rất lớn cho người dùng, đặc biệt là các loại khẩu trang dùng một lần.
“Sợi amiang gây hại cho phổi do chúng ở dạng sợi tinh thể cực nhỏ. Nó có thể xâm nhập vào đường thở rồi vào phổi dễ dàng. Loại khẩu trang sử dụng nguyên liệu rẻ tiền cũng có tác hại tương tự. Loại bụi này thường có đường kính rất nhỏ, không nhìn được bằng mắt thường nên chỉ có cách mua sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, được cơ quan chức năng kiểm định an toàn”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho hay.
Theo TS Nguyễn Văn Thông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dệt may, trong bối cảnh hiện tại, chất lượng vải kháng khuẩn phục vụ sản xuất khẩu trang cần đáp ứng các yêu cầu chứng nhận hợp quy theo QCVN 01/BCT: 2017 và có khả năng diệt khuẩn ≥ 90% thử nghiệm theo tiêu chuẩn AATCC 100: 2012.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý kháng khuẩn cho vải đã được nhiều đơn vị và cá nhân quan tâm ở các quy mô khác nhau. Đó là quy mô phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp.
Công nghệ xử lý và sản xuất vải kháng khuẩn đã được nhiều doanh nghiệp dệt may ứng dụng trong sản xuất vải theo yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. Với điều kiện thiết bị hiện tại, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện để triển khai sản xuất vải kháng khuẩn. Chỉ đáng lo ngại là nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá rẻ, không kiểm soát chất lượng cũng như quy trình sản xuất khẩu trang.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động được sản xuất khẩu trang để cung cấp cho thị trường nội địa và còn xuất khẩu ra các thị trường khác nhau.
Khả năng nhập loại khẩu trang từ Trung Quốc về là rất thấp. Nhưng để đảm bảo an toàn trong sản xuất khẩu trang, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra rà soát những cơ sở sản xuất khẩu trang có sử dụng nguồn nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc.
Để mua khẩu trang đúng chất lượng, theo PGS.TS Phạm Văn Nho, trước khi mua, khách hàng nên chọn thương hiệu sản xuất có tên tuổi, uy tín. Kiểm tra bên ngoài vỏ hộp: Khi khẩu trang còn nguyên hộp, người sử dụng nên xem các thông tin được in trên vỏ hộp.
Nếu các thông số được in đầy đủ (tên nhà sản xuất, nhà phân phối, mã số mã vạch, số lô, ngày sản xuất, đặc biệt là số công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế), đây mới là khẩu trang y tế. Vải may khẩu trang giả thường được trộn thêm bột đá nên khi sờ, bề mặt khẩu trang sẽ thô ráp, không mềm mịn. Khẩu trang y tế thật có độ dày nhất định.
Khẩu trang đúng chuẩn thì bên trong có màng lọc. Màng lọc này mềm, mịn, dày. Cùng với đó là lớp vải lọc kháng khuẩn, lớp vải này có màu sắc và cấu tạo khác so với các lớp lọc còn lại.