Cảnh báo gia tăng tình trạng bị rắn cắn: Những điều nên và không nên làm

GD&TĐ - Tình trạng ngập lụt, biến đổi khí hậu phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng phải 'tìm đường' khác để trú ẩn và kiếm ăn.

Nếu sơ cứu rắn cắn không đúng cách có thể khiến tình trạng người bệnh nặng lên. Ảnh minh họa: INT
Nếu sơ cứu rắn cắn không đúng cách có thể khiến tình trạng người bệnh nặng lên. Ảnh minh họa: INT

Đây cũng là nguyên nhân vào mùa mưa, số nạn nhân bị rắn cắn nhập viện cấp cứu gia tăng với những mức độ nguy hiểm khác nhau.

Lưu ý cách sơ cứu

Theo chuyên gia, vào mùa mưa, số ca bị rắn cắn nhập viện thường tăng mạnh, cao điểm nhất là tháng 8 – 11 hàng năm. Không chỉ người dân ở khu vực nông thôn mà ngay cả trong các khu vực nội thành cũng có trường hợp bị rắn cắn.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh chưa ý thức được nguy hiểm khi bị rắn cắn nên thường bắt rắn, trêu đùa. Trước đây từng có học sinh bắt rắn bỏ vào cặp mang đến lớp chơi và bị cắn dẫn đến nguy kịch.

Nhằm giảm tối đa tác hại chết người của nọc rắn với cơ thể, bên cạnh cách sơ cứu người bị rắn cắn, triệu chứng, cách nhận biết, bạn cũng cần biết những gì “nên” và “không nên” làm khi bị rắn cắn.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nạn nhân bị rắn cắn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn, rối loạn nhịp thở, giảm phản xạ gân xương. Do vậy, sơ cứu bị rắn cắn cần được tiến hành ngay sau khi bị rắn cắn, trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Thanh - Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn các bước sơ cứu nên làm là cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công. Nếu đã bắt được rắn thì chụp ảnh lại hoặc mang rắn chết đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không để nạn nhân tự đi lại. Cần băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn như rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường.

Bác sĩ Thanh nhấn mạnh, việc băng ép bất động nhằm mục đích làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Theo đó, băng chun sẽ quấn quanh từ trên vị trí bị rắn cắn. Băng chun có tác dụng làm ép hệ tĩnh mạch và hệ bạch huyết lại để làm chậm lại sự di chuyển của nọc rắn. Vì nọc rắn đi vào hệ tuần hoàn chủ yếu do hấp thu tại chỗ cắn vào đường bạch huyết, một phần rất nhỏ có thể vào đường tĩnh mạch, còn không hấp thu vào đường động mạch và mao mạch.

Nếu bị rắn lục cắn gây chảy máu không cầm được thì bắt buộc phải băng ép chặt hơn chỗ cắn lại để cầm máu. Vì nọc rắn lục làm rối loạn đông máu của bệnh nhân làm máu chảy mãi mà không cầm được, bệnh nhân tử vong vì mất máu và xuất huyết các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể người bệnh mà không nhất thiết là chảy máu tại chỗ bị rắn cắn.

Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo bằng hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay… Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến. Khó thở thường gặp trong trường hợp bị rắn cạp nia cắn, rắn hổ mang chúa cắn, hoặc rắn cạp nong.

Lưu ý khi vận chuyển bệnh nhân để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân để hạn chế nọc rắn di chuyển về tim và tuần hoàn trung tâm. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên được dùng sớm. Trường hợp nạn nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo bác sĩ Thanh, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. “Tuyệt đối không băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Khi bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc, bệnh nhân có thể tử vong lập tức”, bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Đồng thời, không nên chích, rạch, chọc tại vùng vết cắn. Các biện pháp này không có lợi ích, mà còn gây hại cho bệnh nhân như tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh... nhiễm trùng nặng thêm và làm cho nọc độc vào hệ tuần hoàn nhanh hơn vì gây rách và tổn thương thêm trong quá trình chích rạch. Việc hút nọc độc không có lợi ích vì nọc rắn rất dính và không hút được nọc, không nên chườm đá.

Ngoài ra, cần lưu ý, việc sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo không có ích lợi, khi đắp có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân. Làm chậm trễ quá trình đến viện để dùng huyết thanh kháng nọc rắn.

canh-bao-gia-tang-tinh-trang-bi-ran-can-2.jpg
Bệnh nhân bị rắn cắn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, tháng 10/2024. Ảnh: BVCC

Quy trình điều trị cơ bản

Ở Việt Nam hiện có rất nhiều loại rắn độc nguy hiểm như rắn chàm, cạp nia, cạp nong, hổ mang… Vì vậy, việc phát triển huyết thanh kháng nọc rắn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ tử vong và di chứng khi bị cắn bởi rắn độc.

Huyết thanh kháng nọc rắn là một loại huyết thanh chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu độc tố từ nọc rắn. Huyết thanh này được tạo ra thông qua quá trình miễn dịch, trong đó ngựa khỏe mạnh được tiêm phòng với một loại nọc rắn cụ thể để kích thích hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể phản ứng với chất độc tố đó. Theo bác sĩ Trần Thành Đạt - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, huyết thanh kháng nọc rắn có thể được phân loại thành hai loại chính là huyết thanh kháng nọc rắn đơn giá và đa giá.

Huyết thanh kháng nọc rắn đơn giá là loại huyết thanh chứa globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu chất độc tố từ một loại nọc rắn cụ thể. Nó được sản xuất bằng cách tiêm phòng ngựa với một loại nọc rắn đặc biệt và sau đó thu gom huyết thanh từ ngựa đã được miễn dịch.

Huyết thanh kháng nọc rắn đa giá là loại huyết thanh chứa globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu chất độc tố từ nhiều loại nọc rắn khác nhau. Điều này thường đạt được bằng cách tiêm phòng ngựa với một số loại nọc rắn khác nhau, từ đó kích thích sự hình thành của một loạt các kháng thể phản ứng với nhiều chất độc tố khác nhau.

canh-bao-gia-tang-tinh-trang-bi-ran-can-1.jpg
Bé gái 4 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, tháng 5/2024. Ảnh: BVCC

Quy trình điều trị cơ bản của huyết thanh kháng nọc rắn gồm 5 bước:

Lựa chọn loại huyết thanh phù hợp: Loại huyết thanh cần được lựa chọn dựa trên loại rắn gây cắn và khu vực địa lý. Mỗi loại rắn độc sẽ sản xuất các loại độc tố riêng, và huyết thanh sẽ được sản xuất để chứa kháng thể chống lại các độc tố đó. Do đó, việc xác định chính xác loại rắn cắn là rất quan trọng.

Xác định liều lượng phù hợp: Liều lượng huyết thanh cần được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng, cân nặng của nạn nhân, và mức độ độc tính của loại rắn cắn. Điều này thường được tính dựa trên các hướng dẫn y tế cụ thể từ các tổ chức y tế có uy tín.

Chuẩn bị huyết thanh và tiêm: Huyết thanh thường được cung cấp dưới dạng bột khô hoặc dung dịch lỏng và phải được pha loãng hoặc kích hoạt trước khi sử dụng. Sau đó, nó được tiêm vào cơ bắp của nạn nhân, thường ở đùi hoặc cánh tay. Quá trình này phải được thực hiện bởi người có kỹ năng và kinh nghiệm để đảm bảo tiêm đúng cách và an toàn.

Theo dõi và quản lý phản ứng phụ: Sau khi tiêm huyết thanh, nạn nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài để theo dõi các triệu chứng phản ứng phụ như phát ban, khó thở, hoặc sốt. Trong trường hợp xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng, cần phải có các biện pháp xử lý ngay lập tức, và nếu cần, tiến hành điều trị cứu chữa thêm.

Điều trị hỗ trợ tiếp theo: Sau khi tiêm huyết thanh, nạn nhân cần tiếp tục được theo dõi và cung cấp điều trị tiếp theo theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm cung cấp thuốc giảm đau, theo dõi chức năng thận và gan, và giữ cho vết cắn sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

“Sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn cần được thực hiện và theo dõi bởi chuyên gia y tế có kinh nghiệm để bảo đảm sự an toàn cũng như có biện pháp xử lý ngay khi có vấn đề phát sinh. Cần xem xét và đánh giá chi tiết tình hình sức khỏe người bệnh.

Hỏi rõ về tiền sử mắc các bệnh lý như mề đay, hen, dị ứng, sốc… Bên cạnh đó, cần thực hiện test da với tất cả các đối tượng bệnh nhân trước khi thực hiện tiêm huyết thanh kháng nọc rắn nhằm đánh giá mức độ mẫn cảm của cơ thể và lưu ý xem xét các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng”, bác sĩ Đạt khuyến cáo.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có tới 2,7 triệu người bị rắn độc cắn. Trong đó tỷ lệ tử vong lên tới 138 nghìn trường hợp, 240 nghìn người khác bị tàn tật vĩnh viễn. Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn sống ở các vùng nhiệt đới và tại các nước nghèo nhất thế giới, trong đó trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Tiến sĩ David Williams - chuyên gia về rắn cắn của WHO cho biết: “Biến đổi khí hậu đang làm tình hình trở nên tồi tệ hơn ở một số nơi, đặc biệt là trong điều kiện lũ lụt có thể dẫn đến việc gia tăng số ca bị rắn cắn. Nigeria hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc giải độc rắn nghiêm trọng khi ngày càng có nhiều trường hợp rắn cắn do lũ lụt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ