Cảnh báo cong vẹo cột sống ở học sinh

GD&TĐ - Ngày 7/6, Bệnh viện ĐK Xanh Pôn cho biết, các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật thần kinh vừa điều trị và phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ (14 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) bị cong vẹo cột sống. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh tật ở lứa tuổi học đường hiện nay vẫn còn cao, trong đó bệnh cong vẹo cột sống chiếm gần 30%, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tư thế ngồi không đúng cũng khiến trẻ bị cong vẹo cột sống.
Tư thế ngồi không đúng cũng khiến trẻ bị cong vẹo cột sống.

“Lưng bạn sao lại vẹo thế?”

Sau gần 1 tháng nhập viện và điều trị tại Bệnh viện ĐK Xanh Pôn, bệnh nhân N.T.K.L đã dần bình phục. Bệnh nhân chia sẻ, tình cờ một lần đèo bạn bằng xe đạp, bạn vòng tay ôm lưng cháu và ngạc nhiên thốt lên: “Ơ, sao lưng bạn lại vẹo thế?”.Lo lắng, cháu đã về sờ lưng mẹ để so sánh và cảm nhận rõ rệt sự khác biệt, lưng mẹ thẳng còn lưng cháu thì vẹo! Gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện ĐK Thạch Thất để kiểm tra. Các BS tại đây thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị cong vẹo cột sống và chuyển bệnh nhân đến đơn nguyên cột sống - khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn để phẫu thuật điều trị.

Tại khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức những năm gần đây, số bệnh nhân đến khám, điều trị cong vẹo cột sống ngày càng tăng. Hầu như tuần nào bệnh viện cũng phẫu thuật cho khoảng 10 ca bị vẹo cột sống. Điển hình như trường hợp bệnh nhân nữ 20 tuổi, ở Sóc Sơn (Hà Nội), hiện đang là sinh viên, có độ vẹo cột sống trước khi mổ lên đến 70% khiến cơ thể bị “lùn” mất 7, 8 cm.

Theo các BS khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức, nếu tính ở thể nhẹ (độ vẹo giữa các đốt sống là 10%) thì ước tính có khoảng 2 - 3% dân số bị vẹo cột sống. Bệnh thường xuất hiện từ bé và đến độ tuổi học đường, nhất là 14 - 17 tuổi thì nhận biết rõ hơn do đây là thời kỳ mà hệ xương khớp phát triển mạnh.

Vào mỗi dịp hè, khoa Phẫu thuật cột sống thường tiếp nhận đến gần trăm bệnh nhi được đưa tới khám cong vẹo cột sống, nữ mắc nhiều hơn nam, trong đó đa phần đã ở mức độ nặng. Các BS cho rằng, bình thường khi cột sống bị vẹo ở thể nhẹ thì rất khó nhận biết. Đến khi bệnh tiến triển sẽ thấy 2 vai lệch nhau, lúc cúi thấp người thì 2 bả vai lệch nhau rất rõ, nhìn dọc sống lưng thấy cong… Đa phần bệnh nhân vẹo cột sống không xác định được rõ nguyên nhân. Theo một kết quả điều tra y tế ở nước ta cho thấy, tỷ lệ học sinh bị vẹo cột sống ở nội thành tăng dần theo cấp học.

Bệnh có thể chủ động phòng tránh được

BS Phạm Văn Dương, khoa Phẫu thuật thần kinh - BV Xanh Pôn cho rằng, biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dáng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường gồm cong cột sống và vẹo cột sống. Cong cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức sinh lý bình thường ở đoạn cổ, đoạn ngực hoặc thắt lưng. Khi đoạn cổ bị uốn cong quá mức, đầu sẽ ngả về trước, hai vai chùng xuống và giảm độ cong thắt lưng gọi là tư thế vai so.

Nếu đoạn ngực bị uốn cong quá mức về phía sau, lưng tròn, vai thấp, đầu hơi ngả, bụng nhô về phía trước gọi là tư thế gù. Nếu đoạn thắt lưng bị uốn cong quá mức về phía trước, bụng xệ, phần trên của thân hơi ngả về phía sau gọi là tư thế ưỡn. Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong sang bên phải hoặc bên trái. Khi bị vẹo cột sống, nếu đỉnh đường cong hướng về bên phải thì cột sống có hình chữ C ngược, nếu đỉnh đường cong hướng về bên trái thì cột sống có hình chữ C thuận. Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau thì nó sẽ có hình chữ S thuận hoặc chữ S ngược còn gọi là vẹo cột sống bù trừ.

Có nhiều nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống. Một số trẻ em sinh ra đã bị cong hoặc vẹo cột sống bẩm sinh. Một số trẻ em bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc bị mắc các bệnh về thần kinh, cơ, bị chấn thương, suy dinh dưỡng thể còi xương, lao động không phù hợp với lứa tuổi.

Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống. Cục Y tế dự phòng cho biết, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại các trường còn hạn chế, thiếu cán bộ đủ năng lực, thiếu trang thiết bị chuyên môn cần thiết; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của y tế xã phường trong công tác y tế trường học ở một số nơi còn mờ nhạt.

Theo BS Dương, cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do sự sai lệch tư thế như ngồi học không đúng tư thế, không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài, ngồi học với bàn ghế không phù hợp với tuổi của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; ánh sáng kém nên học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết… Khi phát hiện bất kỳ các biểu hiện trên, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa vì các trường hợp vẹo cột sống nhẹ cũng có thể diễn tiến âm thầm thành cong vẹo cột sống nặng hoặc rất nặng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc khám phát hiện cong vẹo cột sống định kỳ có tác dụng giúp cho nhà trường, gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn tới sức khỏe và phòng chống cong vẹo cột sống học đường hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.