Đây là một trong những bữa tối dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tổ chức định kì 1 lần/1 tuần mà Misako Omura đăng cai. Ở Nhật những bữa cơm kiểu này đang ngày càng được nhân rộng - được gọi là “kokomo shokudo” (căng tin trẻ em).
Nhịn ăn để… mặc
Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có thể là những em gia cảnh khó khăn và cũng có thể là những trẻ em mà bố mẹ thường xuyên đi làm muộn và ít khi có được bữa tối tươm tất. Theo khảo sát của báo Asahi thì hiện có 319 “căng tin trẻ em” phục vụ bữa tối miễn phí hoặc giá thấp tại Nhật Bản.
Nghèo đói tại Nhật thường bị giấu nhẹm bởi có thể dẫn tới xấu hổ hoặc bị phân biệt đối xử. Các gia đình thường cắt bớt thực phẩm và nhu cầu thiết yếu khác để dành tiền cho đứa trẻ ăn mặc tươm tất bằng bạn bằng bè, tránh bị nhìn nhận có gia cảnh nghèo hèn. Những đứa trẻ như vậy có thể có điện thoại thông minh nhưng không có tiền để mua một hộp nước hoa quả 100 yên (1 USD) hay tham gia một chuyến dã ngoại trường học - theo Setsuko Ito, người đứng đầu một nhóm hỗ trợ trẻ nghèo tại quận có đa số người lao động sinh sống, Arakawa, Tokyo.
Trẻ nghèo ở nước giàu
Omura bắt đầu nấu bữa tối mỗi tuần tại Arakawa năm 2014 để tạo ra một không gian chào đón những trẻ em không được hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, trường học và cộng đồng. Ý tưởng của cô, được ủng hộ bởi nhiều nhóm quyên tặng và từ chính quyền địa phương. Omura cho biết, nhiều trẻ đến ăn bữa tối không phải thuộc diện nghèo đói mà do trẻ đơn độc khi bố mẹ tan làm muộn. Omura đề nghị phóng viên không phỏng vấn những trẻ đến “căng tin trẻ em” bởi lo ngại việc chường mặt trẻ lên mặt báo có thể khiến chúng hổ thẹn ở trường và trong khu phố, hoặc thậm chí ảnh hưởng tới xin việc trong tương lai.
Hơn một nửa trong tổng số hộ gia đình bố hoặc mẹ đơn thân ở Nhật được coi là dưới chuẩn nghèo. Những bà mẹ đơn thân, có thu nhập trung bình 150.000 yên (1.490 USD)/1 tháng, nhận sự hỗ trợ từ chương trình phúc lợi.
Mặc dù một điều luật năm 2013 nhằm kết hợp nỗ lực chính quyền địa phương và quốc gia cung cấp hỗ trợ giáo dục, sinh hoạt và kinh tế cho đối tượng khó khăn, nhiều lãnh đạo địa phương vẫn sao lãng vấn đề này - theo Kaori Suetomi, giảng viên chuyên về quản lí giáo dục và tài chính tại Đại học Nihon, Tokyo.
“Đến giờ, Nhật Bản vẫn chưa thực sự giải quyết vấn đề đói nghèo trẻ em, và cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc” - Suetomi, nhà nghiên cứu về chính sách xã hội chia sẻ. Theo Suetomi thì ngân sách cho các chương trình này không được bảo đảm, vì thế nhiều chính quyền địa phương phải bỏ chương trình này. Bên cạnh đó vấn đề nghèo đói ở trẻ em bị đẩy qua lại giữa Bộ Giáo dục và Bộ Phúc lợi dẫn tới không bộ nào chịu trách nhiệm.