Nóng bỏng bán đảo Triều Tiên

GD&TĐ - Những ngày gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục leo thang. 

Nóng bỏng bán đảo Triều Tiên

Sau khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa, nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đang trên đường áp sát bán đảo Triều Tiên. Những tuyên bố qua lại giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khiến không khí trên bán đảo này càng thêm ngột ngạt.

Mỹ sẽ “giải quyết” vấn đề Triều Tiên?

Nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ do hàng không mẫu hạm Carl Vinson dẫn đầu đang di chuyển đến vùng biển Triều Tiên. Quyết định của Hải quân Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thường xuyên thử tên lửa và một trong số các vụ thử được diễn ra sát ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Florida. Trong vụ thử tên lửa gần nhất của Bình Nhưỡng, tên lửa hướng ra biển Nhật Bản, sau khi bay được 60km thì rơi xuống biển.

Cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các nhà chức trách CHDCND Triều Tiên “cư xử rất tồi tệ”, cho phép mình quá nhiều, trong đó có chuyện nhạo báng Mỹ.

Trước đó mấy ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Washington đối với CHDCND Triều Tiên đã kết thúc. Rex Tillerson nói như vậy, bởi theo ông, hơn 20 năm qua, chính sách của Mỹ với CHDCND Triều Tiên đã hoàn toàn thất bại.

“Dĩ nhiên, chúng tôi không muốn đẩy vụ này đến một cuộc xung đột quân sự, nhưng nếu Bắc Triều Tiên có hành động đe dọa các lực lượng của Hàn Quốc và của chính chúng tôi thì câu trả lời sẽ là tương ứng” - Rex Tillerson tuyên bố.

Điều làm dư luận hết sức chú ý là trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Bắc Kinh gây sức ép với Triều Tiên, nếu không, Mỹ sẽ tự hành động. Mô phỏng ý tưởng của Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: “Chúng tôi sẵn sàng tự hành động nếu Trung Quốc không thể đạt được tiếng nói chung với Mỹ. Chúng tôi đang cho Bắc Kinh thêm thời gian…”.

Vậy “tự hành động” ở đây được hiểu như thế nào? Giới phân tích cho rằng, không loại trừ Donald Trump sẽ ra lệnh tấn công CHDCND Triều Tiên tương tự như với Syria cách đây mấy ngày.

Về phần mình, trong cuộc điện đàm trước đó với Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng ông Tập muốn đi theo hướng giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo cảnh báo Bình Nhưỡng rằng việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên không được ảnh hưởng đến khu vực biên giới phía Đông - Bắc. “Nếu giới hạn này bị vượt qua, Trung Quốc sẽ dùng mọi phương án có thể, bao gồm cả vũ lực” - Hoàn Cầu viết.

Và Bình Nhưỡng lên tiếng

Bình luận về việc Mỹ phái nhóm tàu sân bay chiến đấu đến bán đảo Triều Tiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết: “Điều này chứng tỏ rằng bước đi liều lĩnh nhằm xâm lược CHDCND Triều Tiên của Mỹ đã bước sang giai đoạn nghiêm trọng”. Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng tham chiến với Mỹ trong trường hợp xảy ra sự leo thang căng thẳng.

Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố: “CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ bước leo thang chiến tranh nào mà Mỹ đang hướng tới” và “chúng tôi sẽ sử dụng những biện pháp cứng rắn nhất, với toàn bộ sức mạnh của vũ khí của chúng tôi để bảo vệ chính mình”.

Trước đó, vào ngày thứ Bảy (8/4), bình luận về việc Mỹ tấn công Syria, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khẳng định, đó là “hành động xâm lược không thể tha thứ chống lại một nước có chủ quyền”. Đây cũng là nguyên nhân giải thích tại sao CHDCND Triều Tiên tăng cường khả năng chiến đấu của đất nước.

“Mỹ nên đối mặt với tình hình thế giới bằng đôi mắt mở. CHDCND Triều Tiên sẵn sàng và có khả năng đáp trả tương xứng bất kỳ cuộc chiến nào mà Mỹ muốn gây ra” - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói.

Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc thử hạt nhân lần thứ 6, những động thái gần đây của các bên cho thấy nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang hiện hữu. Mọi hành động thiếu thận trọng của các bên đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ