Những tình huống bẽ bàng
Lâu nay, thị trường Việt dường như không có duyên với sao ngoại. Còn nhớ hồi cuối năm 2015, khán giả Việt từng xôn xao về thông tin "ông vua" Kpop PSY sang Việt Nam. Việc PSY tham gia đêm nhạc hội tại đây khiến người hâm mộ hồ hởi, háo hức để có thể gặp được thần tượng của mình ở ngoài đời. Thế nhưng, thông tin đêm nhạc Super X Festival bị tạm hoãn đã khiến cho người hâm mộ nam ca sĩ được phen... vỡ mộng.
Cụ thể, đêm nhạc hội được mong chờ với sự xuất hiện ngôi sao Kpop nổi tiếng trên toàn thế giới PSY tại Việt Nam đã chính thức tạm hoãn vô thời hạn do lượng vé bán ra không đủ số lượng yêu cầu. Thông tin này khiến người hâm mộ của nam ca sĩ vô cùng hụt hẫng và tiếc nuối. Nhiều fan cho rằng BTC không bán được vé là do lượng khách Vpop quá nhiều mà giá vé lại quá cao. Đặc biệt sự xuất hiện của Sơn Tùng MTP khiến không ít fans Kpop bày tỏ thái độ "hững hờ".
Mới đây nhất, đêm diễn của ngôi sao Ariana Grande ngày 23/8 là sự kiện giải trí được mong chờ cũng đã sớm kết thúc bằng vài dòng "tâm thư" được chính cô viết trên trang cá nhân. Giữa thời điểm sự kiện có ngôi sao Hàn Quốc trở nên phổ biến, Ariana Grande là giọng ca Âu Mỹ hiếm hoi đến Việt Nam.
Đặc biệt, cô đang là nữ ca sĩ nổi tiếng và sở hữu nhiều bản hit đình đám. Tuy nhiên, chỉ ít giờ trước khi đêm nhạc diễn ra, giọng ca trẻ đột ngột thông báo hủy bỏ vì lý do sức khỏe. Sự việc này khiến không chỉ người hâm mộ mà cả truyền thông cũng phải lên tiếng.
Từ đầu năm, công chúng yêu nhạc đã từng hào hứng và mong chờ đêm nhạc Bad Boys Blue & Sandra diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 11/3. Nhưng bất ngờ nhóm gặp tai nạn giao thông khiến nam ca sĩ chính, John McInerney, bị chấn thương nặng. Do đó, một tuần trước khi đêm nhạc chính thức diễn ra, ban tổ chức quyết định hủy bỏ sự kiện, đồng thời gửi lời xin lỗi và giải quyết vấn đề tiền vé cho 3.000 khán giả.
Nhìn vào thực tế
Sao ngoại thường đưa ra nhiều yêu sách nên giá vé rất dễ bị đẩy lên cao, các show diễn trở nên quá xa vời đối với những người hâm mộ phần lớn thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên. |
Thực tế, thị trường nước ta còn hạn chế trong khâu bán vé. BTC show diễn Westlife Gravity Tour diễn ra tại Việt Nam năm 2011 cũng phải thừa nhận, đó là một cú lỗ vốn nhưng đầy danh dự. Để tổ chức được đêm nhạc này, "bầu show" Anh Tuấn đã phải chấp nhận mức cát-xê lớn cho nhóm nhạc.
Việc West Life đến Việt Nam trình diễn còn là phải "gánh thêm" các chi phí cho thành viên đoàn và trang thiết bị biểu diễn. Bên cạnh thù lao cho ban nhạc, các đơn vị tổ chức phải trả cát-xê cho các nhạc công, kỹ thuật viên chỉnh âm thanh, ánh sáng, phục trang cũng như kỹ thuật trong ê-kíp mà nhóm đưa sang Việt Nam. Những chi phí đi lại, ăn ở của đoàn cũng "ngốn" không ít tiền của của nhà tổ chức.
Tháng 10/2105, nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Kenny G đã có buổi diễn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Nhưng ít ai biết để hiện thực hoá được buổi diễn này, đơn vị sản xuất Việt Nam đã phải mất 2 năm để chứng minh năng lực tài chính và các yếu tố khác đảm bảo cho thành công của show diễn như: kỹ thuật, hậu cần, an ninh...
Cụ thể, bầu show Việt phải đáp ứng các yêu cầu cao và rất chi tiết về các điều kiện đi lại cũng như ăn ở. Đoàn của Kenny G gồm 12 người. Ông muốn được đón tiếp từ chân cầu thang máy bay và bắt buộc đi cửa riêng của sân bay. Ông cũng yêu cầu không công bố thời gian đặt chân xuống chân bay.
Chưa dừng ở đó, tác giả hit Going home còn yêu cầu ban tổ chức đưa đón bằng xe VIP, đời từ 2014 trở lại đây. Xe này chỉ dành cho riêng ông, các trợ lý đi xe riêng. Phía Việt Nam đã phải chụp ảnh chiếc xe ở nhiều góc và gửi cho ông xem trước.
Cũng bởi sao ngoại thường đưa ra nhiều yêu sách nên giá vé rất dễ bị đẩy lên cao. Điều đó rất dễ thông cảm với nhà tổ chức khi họ đã phải trả khá nhiều chi phí từ việc phương tiện di chuyển, ăn ở của sao, chi phí chuyên chở cơ sở vật chất, chuyên gia để đảm bảo chất lượng của chương trình.
Còn nhớ show diễn hoành tráng mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam của Bi Rain đã chứng kiến những màn hình LED hiện đại được mang theo đoàn trong chiếc chuyên cơ riêng của anh. Và thật sự những màn hình này đã mang đến cho khán giả tại sân vận động Quân Khu 7 những trải nghiệm mới mẻ và khó quên tại thời điểm đó.
Nhưng, việc này cũng đã vô tình đẩy mức giá cho một khán giả vào xem trở nên quá xa vời đối với những người hâm mộ phần lớn thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên. Do đó, việc không thể lấp đầy khán đài bằng khán giả trong những chương trình có sao "ngoại" là điều dễ hiểu.
Suy cho cùng, sao ngoại không hoàn toàn là yếu tố đảm bảo sự thành công của một chương trình đứng trên hai phương diện, chất lượng nghệ thuật giải trí đối với khán giả và doanh thu phòng vé đối với nhà tổ chức.