(GD&TĐ) - Công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học, CNTT là phương tiện để tiến tới một xã hội học tập. CNTT có vai trò quan trọng trong việc đổi mới công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo của học sinh.
Một giờ dạy học có ứng dụng CNTT tại Gia Lai |
Khi ý tưởng ứng dụng CNTT trong GD-ĐT được đưa ra cách đây nhiều năm, đã có nhiều ý kiến cho rằng điều đó là chưa cần thiết. Nhiều người còn cho rằng không có CNTT thì ngành GD-ĐT vẫn phát triển tốt trong nhiều năm qua, vẫn đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, cả thế giới đang vận động theo hướng ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập không chỉ được hiểu theo nghĩa đơn giản là dùng máy tính vào các công việc như biên soạn rồi trình chiếu bài giảng điện tử ở trên lớp. Ứng dụng CNTT phải được hiểu là một giải pháp trong mọi hoạt động liên quan đến đào tạo, liên quan đến hoạt động nghiên cứu, soạn giảng, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên học tâp.
Cao hơn là E-Learning, hoạt động dạy và học ngày nay được diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Ở bất cứ nơi đâu, có thể cả khi không có mặt tại trường, học sinh vẫn có thể nghe thầy cô giảng, vẫn được giao bài và được hướng dẫn làm bài tập, vẫn có thể nộp bài và trình bày ý kiến của mình.
Có nhiều hoạt động ứng dụng CNTT trong giảng dạy được giáo viên thực hiện thành công và mang lại hiệu quả cao như: Tra cứu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn và lấy tư liệu hỗ trợ soạn giảng, sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn giảng để tạo bài giảng điện tử, sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm đề thi, bài kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh...
Tuy nhiên, CNTT chỉ là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp dạy học tích cực chứ không phải là điều kiện đủ của phương pháp này. Không lạm dụng công nghệ nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học.
Để một giờ học có ứng dụng CNTT là một giờ học phát huy tính tích cực của học sinh thì điều kiện đầu tiên là việc khai thác CNTT phải đảm bảo các yêu cầu và tính đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên sử dụng.
Hiện nay, trình độ, kiến thức về CNTT, kỹ năng sử dụng máy tính và các phương tiện hỗ trợ của giáo viên không đồng đều, thậm chí có người chỉ dùng máy tính với mục đích duy nhất là soạn thảo văn bản. Nhiều học sinh rất ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính hoặc một số em chưa từng biết sử dụng máy tính cũng là khó khăn cần được quan tâm.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học, đặc biệt là phục vụ cho việc dạy tin học và ứng dụng CNTT của nhà trường còn nhiều hạn chế, thiếu các phòng học chức năng, số máy tính phục vụ cho học tin học của học sinh còn ít.
Một bộ phận cán bộ, giáo viên tuổi cao ngại học hỏi về CNTT nên việc ứng dụng CNTT trong công tác còn hạn chế. Cán bộ phụ trách về CNTT ở các đơn vị đa số là kiêm nhiệm. Đây là khó khăn cơ bản nhất trong việc triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học ở cơ sở.
Phong Huyền