Cẩn trọng những bệnh nguy hiểm trong thời tiết nắng nóng 40 độ C

Say nắng

Việc vận động, làm việc ngoài trời trong thời gian dài dưới thời tiết nắng nóng rất dễ có nguy cơ bị say nắng. Khi ở ngoài trời, thân nhiệt tăng cao làm cơ thể đổ mồ hôi, mất nước nghiêm trọng.

Những người bị say nắng thể nhẹ thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, cảm sốt, mệt mỏi... Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới tình trạng nghiêm trọng hơn như ngất, hôn mê, trụy tim và có thể để lại những di chứng nguy hiểm.

Để phòng tránh nguy cơ say nắng, người dân cần uống nước thường xuyên đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Khi làm việc ngoài trời cần mặc áo chống nắng, đội mũ. 

Nên cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi để không bị kiệt sức. Bổ sung thêm hoa quả như dưa hấu, trà xanh, dưa leo... để cấp nước và năng lượng cho cơ thể.

Bệnh về da

Khi thời tiết nắng nóng, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ thể tăng cường hoạt động để thải nhiệt khiến vùng lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân... luôn trong tình trạng ẩm ướt. Nếu không chú ý vệ sinh, các chất bài tiết không thoát ra ngoài gây bít lỗ chân lông, kết hợp với vi khuẩn sẽ gây ra viêm, nấm da.

Ngoài ra, một số người thường gặp tình trạng rôm sảy, viêm nang lông, nấm chân, bẹn và thân trong mùa hè. Bệnh ít nguy hiểm nhưng gây ra ngứa ngáy, khó chịu. Trường hợp bị bội nhiễm nặng có thể gây sốt.

Cẩn trọng những bệnh nguy hiểm trong thời tiết nắng nóng 40 độ C ảnh 1
Ảnh minh họa/INT

Bệnh về tiêu hóa

Tiêu chảy, tiêu chảy cấp còn gọi là tả, lỵ, thương hàn, các bệnh virus đường ruột như Rotavirus - gây tiêu chảy ở trẻ em... là các bệnh thường gặp vào mùa hè. Ngoài ra, nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm cũng dễ xảy ra vào mùa nắng nóng.

Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, cộng với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn nhiều làm gia tăng các loại bệnh.

Bệnh hô hấp

Các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi…; các loại sốt (do virus, do nhiễm trùng, do thời tiết...), sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... cũng xuất hiện nhiều khi thời tiết nắng nóng. 

Nguyên nhân là do nhiệt độ môi trường cao làm cơ thể bị mất nước khiến niêm mạc mũi, họng bị khô. Bên cạnh đó, việc sử dụng quạt và máy lạnh thường xuyên khiến các vùng này khô thêm, dễ trầy xước nên vi khuẩn, virus có thể xâm nhập sâu vào gây bệnh. 

Việc uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến viêm họng, thanh quản, bị mất tiếng...

Theo Khoevadep

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.