Cẩn trọng bệnh sốt xuất huyết khi thời tiết giao mùa

GD&TĐ - Sở Y tế Hà Nội ngày 15/10 phát đi khuyến cáo người dân cẩn trọng bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt trong thời tiết giao mùa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cũng đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị sốt xuất huyết, hiện tại Khoa Nội tổng hợp vẫn đang điều trị cho 11 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Trường hợp bệnh nhân nam N.V. Đ (60 tuổi, Phú La, Hà Đông) nhập viện trong tình trạng sốt nóng, đau mỏi người, đau đầu, nôn, họng xung huyết, xét nghiệm Dengue virus dương tính. Hay như trường hợp bệnh nhân N.T.N. L (58 tuổi, Kiến Hưng, Hà Đông) cũng nhập viện với biểu hiện tương tự, xét nghiệm Dengue virus dương tính. 

Bác sĩ CKII Phạm Văn Cường, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: “Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục (39-40 độ C), kéo dài 2-7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng….

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng như: tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu…”

Theo Bác sĩ CKII Phạm Văn Cường Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất như sau:

Loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes. Người dân tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống.

Thường xuyên vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết bằng những công việc như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng.

Cọ rửa và thay nước ít nhất 1 lần/tuần với các dụng cụ chứa nước như xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình 1 lần/tuần. 

Đối với các dụng cụ chứa nước lớn hay các bể chứa nên thả cá ăn bọ gậy, người dân cần thực hiện thu gom, hủy bỏ các loại phế thải có thể chứa nước như lốp xe cũ, chai lọ, vỏ đồ hộp, gáo dừa…

Mỗi người dân cần phòng chống muỗi đốt bằng các biện pháp như: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. 

Ngủ màn kể cả ban ngày. Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.

Do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối nên người dân cần mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn; ngủ màn kể cả ban ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.