Cần Thơ: Nâng chất Trường Thực hành Sư phạm

GD&TĐ - Cơ chế tự chủ đang được triển khai mạnh mẽ ở các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Tuy nhiên, ở mô hình trường thực hành sư phạm, cơ chế này vẫn còn rất mới mẻ, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tiên phong cho bước đi này, Trường THPT Thực hành Sư phạm ĐH Cần Thơ đang triển khai thí điểm Đề án phát triển trường THPT thực hành thành trường chất lượng cao.

Học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm ĐH Cần Thơ
Học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm ĐH Cần Thơ

Tự chủ để phát triển

Trường THPT Thực hành Sư phạm ĐH Cần Thơ (trực thuộc Trường ĐH Cần Thơ) có nhiệm vụ chính là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực ĐBSCL. Tại các trường đại học, Khoa Sư phạm là nơi nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các phương pháp dạy học mới. Trường THPT Thực hành sư phạm là nơi để Khoa triển khai thực nghiệm các phương pháp này. Khi thành lập Trường THPT Thực hành sư phạm, Khoa Sư phạm hướng đến mục tiêu xây dựng trường thành mô hình đào tạo chất lượng, hiệu quả cao. Trường có lợi thế rất lớn so với các trường phổ thông khác về nghiên cứu khoa học, đội ngũ, hợp tác quốc tế cho vấn đề hội nhập. Trường thực hành sư phạm tạo môi trường cho sinh viên rèn nghề, tiếp nhận những đổi mới của giáo dục đang diễn ra thường xuyên ở các cấp học, bậc học.

Trường THPT Thực hành Sư phạm ĐH Cần Thơ được thành lập năm 2011 với mục đích trở thành một trường THPT kiểu mẫu, chất lượng cao ở TP Cần Thơ, cũng như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Sau 6 năm hoạt động, Trường THPT Thực hành Sư phạm đã từng bước khẳng định sự phát triển bền vững về chất lượng đào tạo. Năm học 2018 - 2019, điểm chuẩn tuyển sinh đầu cấp của trường là 39 (điểm cao nhất trong hệ thống các trường THPT không chuyên của TP Cần Thơ). Năm học qua, trường có 100% học sinh khối 12 tốt nghiệp THPT, với 157/159 học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào đại học (đạt tỉ lệ 98,74%).

 

Từ năm 2017, trường không còn lệ thuộc cơ chế tài chính từ nhà nước, trong khi chất lượng giáo dục của trường luôn đứng top đầu của TP Cần Thơ. Vì vậy, tìm lời giải bài toán kinh phí để duy trì mô hình này là hết sức cấp thiết. Để ra đáp án khả thi cho bài toán trên thì tự chủ sẽ là chìa khóa mở cánh cửa về biên chế, chất lượng và bước chuyển mình trong vận hành mô hình trường thực hành của vùng. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhà trường đã có những giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như chất lượng dạy và học.

Trong khi trường sư phạm là nơi đào tạo nghề cho sinh viên trở thành giáo viên ở các cấp học thì trường thực hành nghề sư phạm là nơi rèn nghề, thực hành nghề. Đã là trường thực hành nghề thì đó phải là trường chuẩn để sinh viên học nghề (chuẩn về đội ngũ giáo viên, chuẩn về cơ sở vật chất và các điều kiện khác). Tuy nhiên, điều này cũng gặp khó khăn vì đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất do các địa phương quản lý và đầu tư. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có cơ chế phối hợp để trường thực hành hoạt động có hiệu quả?

Trước khi “tập đi” trên con đường mới, cơ chế hoạt động cũ của trường rất khó khăn, do trực thuộc Trường ĐH Cần Thơ, là trường công lập thu học phí theo quy định. Giáo viên đạt chuẩn 100% nhưng chỉ đáp ứng được 1/2 khối lượng công việc, còn lại là mời giảng viên đại học về dạy. Điều kiện, phương tiện dạy và học đều sử dụng của trường đại học, học sinh hưởng lợi tối đa: Có thẻ của trung tâm học liệu, có thể được ở kí túc xá, được thụ hưởng tất cả các dịch vụ giáo dục… nhưng các em phải đóng học phí rất thấp chỉ 72.000 đồng/tháng.

Thầy Trần Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm ĐH Cần Thơ, trao đổi: “Quyền lợi ngang bằng như các sinh viên đại học, các em cấp THPT chỉ bỏ ra khoản tiền rất nhỏ để đáp ứng cho việc học. Chính vì những chênh lệch như thế nên trường cần thiết phải thay đổi, làm đề án thí điểm trường chất lượng cao, tiến hành tự chủ về nhiều vấn đề, trong đó có tự chủ về chất lượng, về cơ sở vật chất, đội ngũ thành phần giảng dạy…”.

Làm nền tảng tạo ra sự đột phá, trường xây dựng đề án tự chủ tiên quyết, giải quyết mức học phí. Theo đó, học sinh khối 10 phải đóng 1.000.000 đồng/tháng, khối 11 và 12 đóng 500.000 đồng/tháng. Hai khối cuối cấp có mức đóng chỉ phân nửa khối đầu cấp nhằm đảm bảo nguồn chi thường xuyên, chia sẻ phần nào kinh phí tạo sự chuyển biến và thay đổi từ ban đầu. Điểm cốt lõi của nội dung này là mức học phí cố định xuyên suốt 3 năm liền. Và khối 10 năm tiếp theo sẽ chi trả học phí 1.400.000 đồng/tháng, đó cũng là đề xuất định mức cao nhất cho lộ trình. Đề án được UBND TP Cần Thơ phê duyệt trường sẽ áp dụng thu từ học kì 2 của năm học 2018 - 2019.

Giờ học của cô trò Trường THPT Thực hành Sư phạm Đại học Cần Thơ
Giờ học của cô trò Trường THPT Thực hành Sư phạm Đại học Cần Thơ

Hướng đến chuẩn quốc tế

Với vai trò là trường đại học trọng điểm quốc gia tại ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ có lợi thế trong công tác hợp tác quốc tế. Đây cũng là thế mạnh và tiềm năng lớn để Trường THPT thực hành Sư phạm phát triển. Đặc biệt là việc nhập khẩu chương trình đào tạo hay thu hút giáo viên nước bạn tham gia giảng dạy. “Tự chủ thành công, con đường đưa trường đến chuẩn quốc tế thì lực lượng giáo viên và nhân viên không còn lệ thuộc ngân sách nhà nước, nhà trường không đắn đo cân nhắc trước quyết định giảm biên chế. Cơ chế mới sẽ đáp ứng tất cả những mong đợi về ngôi trường thực hành sư phạm chất lượng cao mang chuẩn quốc tế” - thầy Trần Văn Minh nhìn nhận.

Thầy Minh cũng lý giải thêm rằng, xu thế tất yếu phải như vậy, hiện nay phần lớn phụ huynh có điều kiện để trả mức học phí thỏa đáng cho giáo dục phục vụ nhu cầu học tập toàn diện của con em mình. Để phát triển, tạo sự chuyển mình mạnh mẽ thì không còn lệ thuộc vào cơ chế cũ. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ được phát huy theo hướng xã hội hóa. Mục tiêu của trường nhằm tạo điều kiện cho học sinh Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có thể tiếp cận chương trình quốc tế với mức phí rẻ hơn rất nhiều so với đi du học.

Trường sẽ chủ động mời chuyên gia nước ngoài, áp dụng quy trình đào tạo theo chương trình uy tín của nước ngoài… “Với sự đồng thuận cao và quyết tâm mạnh mẽ của cả tập thể cùng hướng tới lợi ích cộng đồng, bằng ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của mỗi giáo viên, mỗi học sinh, nhất định trường sẽ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để vượt qua những thách thức, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường THPT Thực hành Sư phạm - ĐH Cần Thơ chắc chắn sẽ là trường chất lượng cao, tiếp cận đẳng cấp quốc tế, góp phần quan trọng để đào tạo nên những công dân ưu tú - nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”.

Thay đổi mức thu học phí đi đôi với nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tâm huyết, nội dung chương trình giảng dạy tiên tiến, phương pháp giảng dạy và các dịch vụ chất lượng cao… sẽ thúc đẩy phát triển mô hình trường thực hành theo xu hướng tự chủ, tạo động lực cho người học được tiếp cận với chương trình quốc tế tại địa phương mà không cần xuất ngoại.

Theo PGS-TS Trần Trung Tính - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: “Trường ĐH Cần Thơ luôn dành sự quan tâm đến từng bước đi, sự phát triển của Trường Thực hành Sư phạm. Đặc biệt, trong thời gian tới, Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ Trường Thực hành Sư phạm thực hiện mô hình trường THPT chất lượng cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ