Cần Thơ: Hoa xuân “thoáng buồn” vì dịch

GD&TĐ - Giáp Tết, những chuyến ghe xuồng, xe chở hoa tập trung về chợ hoa xuân ở TP Cần Thơ. Không khí mua bán trầm lắng vì dịch bệnh. So với năm 2020, diện tích và sản lượng hoa kiểng Tết giảm do Covid-19.

Nhiều loại hoa kiểng trưng Tết bày bán tại khu vực bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Nhiều loại hoa kiểng trưng Tết bày bán tại khu vực bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Hội tụ tại chợ hoa xuân 

Chợ hoa xuân là nét văn hóa đặc sắc của miền Tây Nam Bộ, mỗi năm chợ họp 1 lần từ 20 đến đêm 30 tháng Chạp. Đây cũng là “bộ mặt” của mỗi địa phương, vì nhìn vào chợ hoa xuân có thể biết được người dân năm đó làm ăn phát đạt, trúng mùa, ăn Tết lớn hay không.   

Tại TP Cần Thơ, chợ hoa xuân tập trung tại khu vực Bến Ninh Kiều, đường Hai Bà Trưng, đường Ngô Gia Tự, đường Nguyễn Thái Học, đường Võ Văn Tần, chợ hoa dọc theo bờ kè đường Hoàng Văn Thụ, bờ kè hai bên hồ Xáng Thổi, đường Huỳnh Cương, bờ kè đường Huỳnh Thúc Kháng, vỉa hè đường Trần Văn Hoài... Chợ hoa xuân là sự kiện thường niên mỗi dịp xuân về, là nơi tập trung người dân đến tham quan, mua bán các loại hoa kiểng và các mặt hàng trang trí Tết.   

Phục vụ nhu cầu trưng Tết năm nay, hoa kiểng khá đa dạng về chủng loại, giá cả nhiều loại không quá cao. Thị trường có sự xuất hiện các giống hoa mới và các loại cây rau, củ, quả được trồng trong chậu làm kiểng, thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, mai vàng năm nay trúng mùa, thời tiết thuận lợi nên phát triển rất tốt. Khu vực hồ Xáng Thổi và bến Ninh Kiều, nhiều nhà vườn khắp các tỉnh miền Tây tập trung hàng ngàn gốc mai vàng tạo dáng đẹp mắt. 

Chở 10 gốc mai vàng từ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đến khu vực hồ Xáng Thổi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ), anh Ngô Văn Hạnh mới bán được 1 gốc. Anh Hạnh cho biết, năm nay mai vàng trúng mùa nhưng không trúng giá.

Do tình hình dịch bệnh nên người dân không chi nhiều tiền mua hoa kiểng Tết như trước. “Giá mai cũng giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, sức mua rất chậm, người dân chỉ đi xem rồi hỏi giá chứ không mua. Hy vọng những ngày giáp Tết sức mua sẽ tăng vì mai vàng là loại hoa chủ lực ở miền Nam, gia đình nào cũng có nhu cầu trưng mai dịp Tết”.

Bên cạnh các loại hoa kiểng truyền thống như mai vàng, vạn thọ, năm nay có nhiều giống hoa mới như các loại hoa cúc màu, mai dạ thảo, hoa hướng dương, hoa giấy, kiểng bonsai, kiểng lá, kiểng trái. Đặc biệt là các loại hoa cúc Nhật, cúc pico, cúc calimero... với ưu điểm hoa đẹp, lâu tàn, tạo dáng đẹp mắt.

Theo nhiều người bán hoa kiểng, dù hoa Tết năm nay chất lượng tốt, giá rẻ, đa dạng chủng loại nhưng sức mua chậm. Đặc biệt là những loại hoa kiểng giá trị cao như mai vàng, lan, kiểng bonsai… bán rất chậm và ít người hỏi mua. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh, mọi người dân đều dè dặt chi tiêu. Mặt hàng bán chạy chủ yếu là các loại hoa kiểng truyền thống, giá rẻ như vạn tho, cúc, quất… 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để phục vụ nhu cầu Tết, nông dân tại các quận, huyện đã xuống giống gieo trồng được hơn 441.800 chậu hoa, kiểng để cung ứng cho thị trường. So với năm 2020, diện tích gieo trồng và sản lượng hoa kiểng Tết năm nay giảm do tình hình dịch Covid-19… 

Ghe chở hoa kiểng đến chợ hoa xuân khu vực đường Hoàng Văn Thụ, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Ghe chở hoa kiểng đến chợ hoa xuân khu vực đường Hoàng Văn Thụ, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). 

Vừa bán vừa lo!

Giáp Tết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương khiến người trồng hoa lo lắng. Trải qua một năm chịu tác động kép của dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, người trồng hoa hy vọng mùa  Tết sẽ mua bán thuận lợi hơn.

Dù nhiều nhà vườn trồng hoa, kiểng có phần lo lắng về khả năng sức mua có thể bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn mạnh dạn xuống giống gieo trồng các loại hoa, kiểng nhằm có thu nhập, góp phần bảo đảm nguồn cung hoa, kiểng cho thị trường trong nước, hạn chế phải nhập khẩu. 

Theo ông Trần Văn Thành, làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), năm nay chi phí trồng hoa kiểng tăng khoảng 15% so với năm trước nhưng giá hoa kiểng không tăng. Do dịch bệnh nên thương lái ngại mua hoa kiểng số lượng lớn vì họ sợ phải “ôm hàng” nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các năm trước từ rằm tháng Chạp thương lái đã đến vườn mua hoa hoặc đặt tiền cọc. Nhưng năm nay thương lái chỉ đến mua một ít, khi bán hết mới thu mua tiếp. 

“So với năm trước thì năm nay bán hơi chậm, khách đến mua cũng ít hơn. Các mặt hàng hoa kiểng Tết bày bán cũng trễ hơn, nhiều mặt hàng năm nay giữ ổn định giá, thậm chí giá rẻ. Người trồng hoa lấy công làm lời, hy vọng dịch bệnh kiểm soát tốt để việc mua bán, ăn Tết của người dân suôn sẻ”, ông Thành chia sẻ.

Sốt ruột nhất là người bán mai vàng trưng Tết, vì sức mua chậm, trong khi mai sắp nở hoa. Do thời tiết thất thường, năm nhuận, mai vàng năm nay ra hoa sớm. Khả năng có nhiều chậu hoa mai sẽ nở hoa trước khi được người dân mua về nhà để đón Tết. Theo anh Dương Hoài Nhân, hộ trồng mai vàng tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ), các chậu mai của anh đang bán hoa nhiều, tươi tốt nhưng sắp bung nụ.

Anh Nhân lý giải nguyên do là thời tiết năm nay nắng nóng, sau đó trở lạnh nhiều ngày nên nhiều cây mai vàng đã bung hoa sớm. Dù nhà vườn đã canh chính xác thời điểm ngắt lá, tỉa cành nhưng để mai ra đúng ngày Tết phải xử lý bằng cách cho cây vào bóng mát, hạn chế tưới nước để hoa chậm nở.

Theo ông Ðoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An (làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ), phục vụ thị trường trưng Tết Tân Sửu, 120 hộ trong làng hoa cung ứng ra thị trường khoảng 360.000 chậu. Giá cả không chênh lệch so với vụ Tết 2020 là mấy. Ngoài bán cho thương lái, hộ trồng hoa còn đem bán ở chợ hoa xuân. Theo kinh nghiệm người trồng hoa kiểng, sức mua ngày càng cận Tết sẽ tăng lên, đặc biệt là những ngày cuối cùng của năm... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.