Cần Thơ: Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập

GD&TĐ - Chiều 22/12, tại TP Cần Thơ, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Sở GD&ĐT về tình hình thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn thành phố.  

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Đoàn công tác do ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT làm Trưởng đoàn.

Báo cáo về tình hình thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Đến nay, thành phố có 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học mức độ 2. Trong đó có 73 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (chiếm 85,88%).

Có 9/9 quận, huyện củng cố vững chắc kết quả PCGD THCS; 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1 (trong đó có 20/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2; 3/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3.

Kết quả học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thành phố đến tháng 10/2017 là 24.774 người. Số CBCCVC tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm là 20.383 người (82,28%).

CBCCVC có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn là 18.261 người (73,71%). CBCCVC có trình độ ngoại ngữ vượt chuẩn là 792 người (3,2%). Có 57,40% công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa, tăng 6,46% so với năm 2015.

Về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tay nghề để lao động đạt hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ: CBCCVC đào tạo đáp ứng chuẩn quy định đạt trên 99%; CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp được đào tạo bồi dưỡng theo chương trình quy định đạt 90,24%. CBCCVC thực hiện chế độ bắt buộc tối thiểu hàng năm đạt 44,96%. Cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo để quản lý điều hành vị trí công việc đạt trên 65%…

Tuy đạt được kết quả nhất định nhưng TP Cần Thơ vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Công tác xây dựng xã hội học tập phát triển chưa đồng đều tại một số địa phương; một số ngành, địa phương nhận thức còn hạn chế về vị trí, vai trò tầm quan trọng xây dựng xã hội học tập.

Việc bố trí, sắp xếp thời gian cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, tham gia học tập nâng cao trình độ chưa được chú trọng. Tỷ lệ người dân tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng sống  chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ