Cần thêm đối tượng tuyển sinh ở xã biên giới với trường dân tộc nội trú

GD&TĐ - Góp ý Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường Phổ thông dân tộc nội trú, giáo viên Trường THCS&THPT nội trú Hà Tĩnh cho rằng cần thêm học sinh vùng biên giới và tăng tỷ lệ đối tượng tuyển sinh khác trong tường.

Học sinh quảng bá về bản sắc văn hóa của dân tộc mình tại hoạt động "Ngày hội giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số" do Trường THCS&THPT nội trú Hà Tĩnh tổ chức.
Học sinh quảng bá về bản sắc văn hóa của dân tộc mình tại hoạt động "Ngày hội giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số" do Trường THCS&THPT nội trú Hà Tĩnh tổ chức.

Thực hiện Công văn số 1146/BGDĐT-GDĐT ngày 28/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn liên quan và Trường THCS&THPT nội trú Hà Tĩnh tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động trường PTDTNT và góp ý kiến về Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT (thay thế Thông tư 01/2016).

Những khó khăn, bất cập của Thông tư cũ

Thầy Đặng Bá Hải – Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, những khó khăn, vướng mắc bất cập trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT (Thông tư 01) thể hiện như sau:

Theo thông tư 01, nhiệm vụ của trường PTDTNT nêu rõ: Tổ chức công tác nội trú cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh của nhà trường được ăn, ở nội trú. Nhưng không có văn bản nào quy định bao nhiêu học sinh thì có một cấp dưỡng.

Thầy Đặng Bá Hải (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp nhận giấy khen về điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác giai đoạn 2016 – 2020.

Thầy Đặng Bá Hải (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp nhận giấy khen về điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác giai đoạn 2016 – 2020.

Tại Thông tư 01 có nêu: “Lao động công ích, tăng gia sản xuất để cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh” nhưng không có văn bản nào quy định số diện tích tăng gia sản xuất tối thiểu/1 học sinh.

Bên cạnh đó, đối tượng tuyển sinh còn hẹp. Đối tượng cơ bản là thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. Trong khi đó việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng có điều kiện kinh tế - xã hội giảm dần, thậm chí là không còn. Do đó, việc xác định vùng tuyển sinh gặp khó khăn.

Ngoài ra, điều kiện và hồ sơ dự tuyển không quy định phải có hồ sơ về sức khỏe. Về các điều kiện và hồ sơ dự tuyển theo quy định của Thông tư 01 thì khi học sinh trúng tuyển vào học tại trường thì nhà trường phải tổ chức cho 100% học sinh ở nội trú. Trong thực tế một số học sinh có điều kiện sức khoẻ không phù hợp để nhà trường tổ chức cuộc sống nội trú cho các em, gây khó khăn cho quá trình tổ chức hoạt động giáo dục dân tộc.

Cần sửa đổi thêm ở Dự thảo Thông tư thay thế

Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho rằng: Cấu trúc các chương, điều, khoản, mục Quy chế của Thông tư mới so với Thông tư 01 là hợp lý; Quy chế của Thông tư mới đã sắp xếp lại, rút gọn, bổ sung thành phần nội dung của các điều, khoản một cách hợp lý; đã bổ sung đối tượng tuyển sinh.

“Tuy nhiên, Thông tư mới vẫn tồn tại một số vấn đề: Đối tượng tuyển sinh quy định tại Điều 13 Quy chế không phù hợp với thực tế của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì gắn với Chương trình này, các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giảm dần.

Học sinh Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh thể hiện tài năng sắp sách nghệ thuật.
Học sinh Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh thể hiện tài năng sắp sách nghệ thuật.

Cụ thể, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 - địa phương Hà Tĩnh không có xã nào thuộc các khu vực trên”, thầy Hải phân tích.

Cũng theo thầy Hải, tại Thông tư mới, đối tượng tuyển sinh khác trong trường PTDTNT theo quy định tại Điều 14 không vượt quá 20% học sinh PTDTNT, không được hưởng chế độ của học sinh dân tộc thiểu số thì sức thu hút sẽ thấp.

Ngoài ra còn có bất cập về điều kiện và hồ sơ dự tuyển chưa quy định giấy khám sức khỏe.

Theo báo cáo góp ý Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường PTDTNT của Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh, các ý kiến đều thống nhất với cấu trúc các chương, điều, khoản, mục của Thông tư; các nội dung đã thể hiện trong Dự thảo của Thông tư mới.

Báo cáo cũng nêu các đề xuất sửa đổi bổ sung Thông tư mới như sau: Tại điều 13 về Đối tượng tuyển sinh cần bổ sung đối tượng thuộc các xã biên giới vào Khoản 1; Nếu bổ sung đối tượng tuyển sinh thì cũng phải bổ sung thêm nội dung “các xã biên giới” vào cuối khoản 1 thuộc Điều 1, khoản 1,2 thuộc Điều 3; khoản 1 thuộc Điều 4.

Tại Điều 14 về đối tượng học sinh khác trong trường PTDTNT, căn cứ các điều kiện đảm bảo chất lượng, cấp quản lý trực tiếp…tỷ lệ không vượt quá 20% số học sinh PTDTNT. Góp ý điều chỉnh là …không vượt quá 30%...

Bổ sung vào điều kiện tuyển sinh ở Điều 15: Giấy khám sức khỏe học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ