Điểm nghẽn pháp lý
Theo Ths. Nguyễn Mạnh Khởi (Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng), hiện nay bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật Đất đai hay pháp luật Kinh doanh bất động sản hiện hành thì không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có Condotel, Shophouse, Resort villa, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.
"Có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Vì vậy, dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương", ông Khởi cho biết.
Nhìn từ thực tế câu chuyện tại Bãi Dài – Cam Ranh, cách đây 5 - 7 năm, nơi đây vẫn là đồi cát hoang hóa và trơ trọi. Mặc dù từ năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Ban Quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh (sau này là Ban Quản lý Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh), tập trung kêu gọi đầu tư dự án. Song qua nhiều năm, Bãi Dài vẫn chỉ là một vùng cát trắng mênh mông và rất ít doanh nghiệp “mặn mà”.
Cho đến năm 2013 – 2014, Bãi Dài mới thực sự chuyển mình sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chính sách mở cửa, phê duyệt xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng trên đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở).
Đến nay, một số dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đi vào hoạt động như: Vinpearl Resort & Spa Long Beach Nha Trang (Công ty TNHH Vinpearl Bãi Dài), Golden Bay Cam Ranh (Tập đoàn Hưng Thịnh)... các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng) mua sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Trong khi đó, một số khác như Movenpick Resort Cam Ranh, The Arena Cam Ranh… mặc dù dự án đã hoàn thành, được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đưa vào sử dụng được vài năm, chủ đầu tư cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nhưng hiện nhà đầu tư thứ cấp vẫn “mòn mỏi” chờ được cấp “sổ đỏ”.
Thừa nhận điểm yếu trong pháp lý cho BĐS nghỉ dưỡng, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trưởng thẳng thắn nhìn nhận: “Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật không nhất quán, khiến nhà đầu tư chịu thiệt”.
Tháo điểm nghẽn để bất động sản nghỉ dưỡng chạy đà
Năm 2019 – 2020, qua thanh tra các dự án diện rộng ở nhiều địa phương, bao gồm cả Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ có ra thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP ngày 04/11/2020, trong đó, không kết luận đất ở nông thôn không có trong luật mà chỉ nêu “đất ở không hình thành đơn vị ở” chưa có quy định tại pháp luật hiện hành.
Đánh giá điểm tích cực mà loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng (tại tỉnh Khánh Hòa gọi là “đất ở không hình thành đơn vị ở”) đã và đang phát triển mang lại như: thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy về tăng tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước…
Thanh tra Chính phủ cũng có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung: “Khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ; không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh, không gây xáo trộn đột biến ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư; có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành”.
Căn cứ nội dung kiến nghị của Thanh tra chính phủ tại Thông báo 1919, luật sư Mai Trang – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Việc cấp đất ở tại nông thôn đi kèm điều kiện “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại khu du lịch nghỉ dưỡng theo quan điểm của tôi là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng mục đích chung của dự án là du lịch, nghỉ dưỡng. Đã đến lúc các nhà làm luật cần phải luật pháp hóa loại hình đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) bằng văn bản cụ thể để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện, tránh gây khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, các doanh nghiệp cũng như người mua”.
Được biết, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa có định hướng đề xuất: những dự án tại Bãi Dài đã được cấp Giấy chứng nhận theo loại hình đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) nhưng chưa triển khai xây dựng sẽ chuyển sang đất thương mại dịch vụ; đối với các dự án đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng mua biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng).
Theo các chuyên gia, đây là giải pháp khả thi, vừa hài hòa lợi ích các bên, vừa gỡ khó cho doanh nghiệp, tránh khiếu kiện, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.
“Tôi đồng tình với ý kiến của một số địa phương đang đề xuất phương án những dự án đã được cấp Giấy chứng nhận theo loại hình đất ở không hình thành đơn vị ở nhưng chưa được triển khai xây dựng sẽ chuyển sang đất thương mại dịch vụ. Đối với các dự án đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng mua biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng)” - GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay.