Cẩn tắc vô ưu

GD&TĐ - Các vị dân biểu nước Pháp đã làm nên lịch sử khi giúp nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quyền của phụ nữ về bỏ thai vào hiến pháp.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sự sửa đổi này đã được Quốc hội Pháp thông qua rất áp đảo: Chỉ có 30 trong tổng số gần 500 vị dân biểu có mặt hôm biểu quyết phản đối.

Nước Pháp đi tiên phong trên phương diện này. Không đặc biệt và đáng được chú ý sao được khi vấn đề người phụ nữ có quyền tự quyết định giữ hay bỏ thai vẫn là một trong những vấn đề đối nội nhạy cảm nhất, dễ bùng nổ xung khắc nhất ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận ở 24 quốc gia châu Âu hồi năm 2023 cho thấy có tới 77% người được hỏi đã ủng hộ quyền này của phụ nữ trong khi ở chính những quốc gia ấy vẫn thực thi những biện pháp hạn chế khá ngặt nghèo việc người phụ nữ tự quyết định chuyện giữ hay bỏ thai. Ở một số quốc gia vẫn còn luật lệ cấm tuyệt đối việc phụ nữ bỏ thai và trừng phạt bác sĩ giúp phụ nữ bỏ thai.

Sự sửa đổi hiến pháp lịch sử trên càng đáng được chú ý bởi Pháp thuộc diện không nhiều quốc gia trên thế giới và châu Âu trên thực tế đã thực thi quyền của người phụ nữ về bỏ thai.

Ở nước Pháp, quá trình này được khởi đầu từ cách đây gần nửa thế kỷ. Năm 1975, Bộ trưởng Y tế Pháp Simone Veil đã đề xuất đạo luật cho phép phụ nữ bỏ thai khi thai được dưới 10 tuần.

Đạo luật này được mang tên bà Bộ trưởng Y tế. Năm 2001, thời gian giới hạn được nâng lên 12 tuần và từ năm 2022 lên 14 tuần. Hơn thế nữa, từ những năm 80 của thế kỷ trước, việc xử lý bỏ thai về y tế được thực hiện trong khuôn khổ hệ thống quốc gia của nước Pháp về chăm sóc sức khỏe.

Trên thực tế, phụ nữ ở Pháp đã có quyền tự quyết định về giữ hay bỏ thai. Tuy nhiên, từ năm 2022, việc đưa quyền này vào hiến pháp để được hiến pháp bảo hộ trở nên thời sự ở quốc gia này.

Nguyên nhân chính là lo ngại chung của chính giới và người dân về khả năng những phe cánh chính trị nắm quyền trị vì đất nước trong tương lai có thể sửa đổi hay thay thế luật pháp hiện hành liên quan theo hướng cấm đoán hoặc hạn chế.

Đơn cử, phán quyết của tòa án tối cao Mỹ hồi cuối tháng 6/2022 lật ngược hoàn toàn những luật lệ được vận dụng cho tới khi đó về quyền của người phụ nữ được tự quyết chuyện giữ hay bỏ thai.

Cũng trong năm 2022, cuộc thăm dò dư luận ở Pháp do IFOP tiến hành đưa lại kết quả là 86% người dân muốn sửa đổi hiến pháp hiện hành để đưa quyền của phụ nữ về bỏ thai vào hiến pháp.

Cách tiếp cận ở đây là sửa đổi hoặc thay thế luật pháp thì dễ chứ sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp không dễ. Còn ở châu Âu trong những năm gần đây có tình trạng chính quyền ở một số nơi tiếp tục cấm hoặc siết chặt hơn việc phụ nữ bỏ thai.

Vì thế, nhận thức và quan điểm chung trở nên ngày càng phổ biến hơn là cần phải có sự bảo hộ của hiến pháp dành cho quyền của phụ nữ về tự quyết định giữ hay bỏ thai trước khả năng trong tương lai gần cũng như xa xảy ra những biến cố gây bất lợi hoặc cản phá quyền này của người phụ nữ. Cẩn trọng và lo xa vẫn hơn và không bao giờ thừa.

Bước đi tiên phong này của Pháp có tác động mạnh mẽ không chỉ có ở nước này, mà còn ở châu Âu. Đường đi đã mở thì sẽ có người đi theo. Phải có tiền lệ thì rồi mới có được thông lệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ