Thông tin trên chỉ dừng ở “nội bộ”, thế nhưng có tờ báo nhanh nhảu đưa tin, lập tức dân ùn ùn “càn quét” các chợ và siêu thị. Thông tin trên được tờ báo nọ gỡ ngay xuống, song hậu quả của nó ra sao thì hẳn mọi người đã biết.
Liên tục nhiều tuần nay, tỉnh Khánh Hoà và TP Nha Trang tăng vọt số ca dương tính trong cộng đồng. Gần như dịch SARS-Co-V2 đã phủ sóng toàn bộ các xã phường của Nha Trang! Bây giờ thì không những áp dụng Chỉ thị 16 mà Nha Trang còn tăng cường áp dụng gắt gao hơn, dây và hàng rào bảo vệ giăng mắc khắp nơi.
Có lẽ rút kinh nghiệm chuyện dân nghe áp dụng giãn cách sẽ ùn ùn lao vào chợ và siêu thị, cách đây vài hôm, chính quyền TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16+ ngay trong đêm với những quy định vô cùng siết chặt khiến nhiều người trở tay không kịp.
Gần như tất cả các trục đường chính đều bị giăng dây và kiểm soát rất chặt các loại giấy tờ theo quy định của UBND thành phố. Bao nhiêu điểm chốt là từng ấy các tụ điểm dồn ứ người đi đường, báo hiệu những nguy cơ bùng phát dịch là điều rất dễ xảy ra.
Đưa ra hàng loạt quy định về các loại giấy tờ được phép đi lại và kiểm tra theo kiểu dồn cục như thế không những không ngăn chặn lây lan dịch mà còn có nhiều khả năng “tiếp dầu vào lửa” lúc này.
Trong một buổi giao ban trực tuyến mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn ra một ví dụ rất sát thực. Ông nói đại ý, một tài xế bị F0, nếu chỉ chở hàng đến một địa điểm nào đó trả hàng, toàn bộ hành trình đó chỉ mỗi anh tài xế và … ca bin của anh ta là bị lây nhiễm thôi vì anh ta không rời buồng lái.
Còn nếu xét giấy tờ quá kỹ, anh tài xế F0 nọ sẽ là nguồn lây cho chính cái người kiểm tra giấy tờ! Nên chăng, chúng ta cần linh hoạt hơn trong câu chuyện này.
Ở Hà Nội hai ngày qua là bao chuyện khóc cười chung quanh các loại giấy tờ phải xuất trình cho các chốt kiểm tra. Hàng trăm người ùn ứ tại các chốt kiểm soát này, chưa ai dám khẳng định rằng trong số đó không có những người đã bị F0 mà không biết.
Mà đã là F0 giữa đám đông ấy thì hậu quả ra sao chắc ai cũng rõ qua bài học ở TP HCM cách nay vài tháng và Nha Trang mới đây.
Yêu cầu của Ban phòng chống dịch về các loại giấy tờ liên quan là điều không thể bàn cãi vì mục đích cuối cùng vẫn là ngăn ngừa sự lây lan của dịch.
Những ngày qua, tuy Hà Nội áp dụng giãn cách song số người ra đường “không lý do” vẫn còn nhiều, như nhận định của ông Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khi trả lời báo chí tối mùng 9/8.
Đó là lí do để Hà Nội siết chặt hơn là vậy. Nhưng siết chặt hơn khác với vô tình tạo điều kiện để dịch lây lan.
Sau một ngày áp dụng, nhận thấy những bất cập do việc siết chặt quá đà việc đi lại của người dân, thậm chí đi ngược với chủ trương giãn cách, Hà Nội đã bãi bỏ quy định mới ban hành.
Động thái này đáng được ghi nhận vì thái độ tiếp thu của chính quyền thành phố, song cũng là một dịp để những người cầm cân nảy mực nhìn lại chính mình khi đưa ra những quyết định mà người dân gọi là “mang đậm hơi lạnh” trong phòng kín.