Cần sự cân bằng giữa tự chủ bệnh viện với việc thực hiện trách nhiệm xã hội

GD&TĐ -Tự chủ như là một phương thức để tăng cường hiệu quả hoạt động của bệnh viện và chất lượng khám chữa bệnh. Song cơ chế này chịu tác động từ nhiều phương diện mà bản thân các bệnh viện tự chủ không thể chủ động giải quyết được.

Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện công áp dụng cơ chế tự chủ
Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện công áp dụng cơ chế tự chủ

Nhiều tác động ràng buộc

Phương diện mà bản thân các bệnh viện tự chủ không thể chủ động giải quyết được như các chính sách, quy định đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính sách về tiền lương, chính sách về khám chữa bệnh cho người nghèo.

Kể từ sau Đổi mới, có lẽ chưa lúc nào ngành y tế đứng trước những thử thách và khó khăn như hiện nay. Các vấn đề nêu trên đặc biệt trở nên cấp bách đối với các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ và tự chủ toàn diện.

Các vấn đề lớn cần quan tâm để điều chỉnh nhất là sau các biến cố liên quan đến hậu đại dịch COVID-19 là tài chính bệnh viện, mua sắm thuốc, vật tư y tế, đầu tư trang thiết bị, phương thức cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn nhân lực tại các bệnh viện công lập.

Người dân chờ khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại bệnh viện

Người dân chờ khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại bệnh viện

Tương tự, về tài chính y tế, bệnh viện thực hiện tự chủ gặp khó khăn từ các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, cơ chế chi trả chi phí khám chữa từ quỹ BHYT, từ ngân sách Nhà nước và từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.

Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tự chủ bệnh viện như chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế hay việc thực hiện các biện pháp xã hội, phải thực hiện trách nhiệm tham gia phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng hay hỗ trợ nguồn nhân lực cho các địa phương, đơn vị khác.

Về thực chất, tính tự chủ của bệnh viện bị hạn chế rất nhiều và vai trò tự chủ của bệnh viện không có nhiều ý nghĩa.

Ví dụ như việc mua sắm vẫn phải theo quy định về đấu thầu, có loại hàng hóa mua theo kết quả đấu thầu tập trung.

Tương tự, giá dịch vụ y tế không phản ánh đầy đủ chi phí thực tế như chưa tính khấu hao tài sản hay chi phí quản lý nên khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy để phát triển là rất thấp.

Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện công lập, kể cả các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động.

Nguyên nhân do giá dịch vụ khám chữa bệnh do Bộ Y tế quy định chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng và sự chưa phù hợp với thực tiễn và chuyên môn của quy định liên quan đến đấu thầu, dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu khó triển khai do thiếu trang thiết bị hoặc có trang thiết bị từ việc liên doanh, liên kết hay xã hội hóa. Những hạn chế sử dụng do việc liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn chưa phù hợp với các quy định chung về quản lý tài sản.

Cơ chế tự chủ và nhiệm vụ của các bệnh viện

Một vấn đề xã hội cần được quan tâm đó là sự cân bằng giữa tự chủ bệnh viện với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và công bằng trong khám chữa bệnh.

Cơ chế tự chủ tiềm ẩn nguy cơ các bệnh viện có khuynh hướng phải tìm kiếm thêm doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao và xem nhẹ các dịch vụ cơ bản, khuyến khích khám chữa bệnh theo yêu cầu (có giá cao hơn khám chữa bệnh BHYT) dẫn đến chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.

Cơ chế tự chủ dẫn đến bệnh viện có khuynh hướng tìm thêm doanh thu

Cơ chế tự chủ dẫn đến bệnh viện có khuynh hướng tìm thêm doanh thu

Trong khi đó, các bệnh viện công lập phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình là “chất lượng, công bằng, hiệu quả và phát triển” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các bệnh viện công lập có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ với ý nghĩa là dịch vụ công bao gồm các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản do ngân sách nhà nước và quỹ BHYT chi trả, các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT và các dịch vụ y tế bổ trợ có tính chất nâng cao.

Với các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, ngoài việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh còn chỗ dựa cho tuyến trước, là cơ sở kỹ thuật chuyên sâu có tính nền tảng khoa học, kỹ thuật cho sự phát triển.

Cần thấu đáo, có lộ trình

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, tự chủ bệnh viện mặc dù được xem là có những lợi ích nhất định cần được nghiên cứu thấu đáo, có lộ trình và điều kiện cụ thể để áp dụng theo từng phạm vi và mức độ tự chủ.

Các điều kiện đó có thể là sự đầy đủ và thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với lĩnh vực đặc thù của y tế, sự làm chủ về chuyên môn kỹ thuật, tính chủ động trong việc duy trì sự ổn định được nguồn cung ứng thuốc và vật tư y tế, sự sẵn sàng và minh bạch của các nguồn tài chính cho hoạt động bệnh viện.

Mặt khác, tự chủ bệnh viện có những lợi ích nhất định và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Mặt khác, tự chủ bệnh viện có những lợi ích nhất định và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Cùng với đó là chức năng, nhiệm vụ của hệ thống y tế theo phân cấp quản lý và phân cấp chuyên môn kỹ thuật rõ ràng, đồng thời với cơ chế kiểm soát việc cung ứng dịch vụ theo luật định.

Điều quan trọng để kiểm soát tự chủ bệnh viện là phải đảm bảo công bằng, hiệu quả và phát triển, thực hiện an sinh xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cần hết sức chú ý để không có tình trạng doanh nghiệp hóa bệnh viện công lập do hiểu sai chủ trương và thực hành sai cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập xét cả về mặt tổ chức quản lý hoạt động của bệnh viện và cả mặt hoạt động cung ứng dịch vụ.

Chính phủ đã có Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho nên các cơ quan quản lý nhà nước và mỗi đơn vị cân nhắc để thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, với những khó khăn của ngành y tế và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, chỉ nên thực hiện tự chủ chi thường xuyên mà chưa tự chủ chi đầu tư, nhất là đối với các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật.

Với các bệnh viện tuyến huyện, là tuyến y tế cơ sở nên cần rất cân nhắc kỹ lưỡng về lộ trình áp dụng.

Nói chung, với mỗi một quyết định về tự chủ bệnh viện, cần có tầm nhìn phù hợp, quy mô áp dụng phải tương thích với điều kiện thực tế, kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện tự chủ và có phương án chắc chắn để kiểm soát được rủi ro khi áp dụng mà không làm ảnh hướng đến sự ổn định và phát triển bền vững hệ thống y tế trong yêu cầu về an ninh y tế và khả năng chống chịu trước các biến cố, đến quyền lợi người bệnh và đảm bảo chức năng an sinh xã hội của hệ thống bệnh viện công lập.

Mới đây, ngày 18/8, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai. Tại buổi làm việc, lãnh đạo BV xin dừng triển khai thí điểm tự chủ do nhiều nguyên nhân. BV đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.