Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025:

Cần sớm xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu chương trình mới

GD&TĐ - Sau khi công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cần xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Từ năm 2025, thí sinh chỉ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán - Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Từ năm 2025, thí sinh chỉ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán - Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Tiết kiệm nhiều chi phí

Ngày 29/11, Bộ GD&ĐT đã thông tin chính thức ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vốn đang được dư luận vô cùng quan tâm.

Theo đó, các thí sinh thi bắt buộc 2 môn gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán tại Hà Nội.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán tại Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán tại Hà Nội nhận định, phương án thi 4 môn đáp ứng được các yêu cầu gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm căng thẳng cho thí sinh. Toán, Ngữ văn cũng là 2 môn nền tảng, căn bản, công cụ; các môn khác sẽ theo lựa chọn của người học.

Tuy vậy, việc triển khai như thế nào cho hiệu quả mới là quan trọng. Mặc dù thời gian còn rất ngắn (khoảng 1 năm rưỡi), ngành Giáo dục cần phải giải ngay 4 bài toán sau đây thì công cuộc thực hiện Chương trình GDPT 2018 mới đi đúng hướng và đạt mục tiêu.

Thầy Tùng nhấn mạnh, Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội khóa 13 nêu rõ: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Sau tiêu cực thi cử năm 2018 ở một số địa phương, các kì thi đã có tiến bộ về mặt nghiêm túc song còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo độ tin cậy, trung thực.

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở các địa phương vẫn được tiến hành đúng lộ trình.

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở các địa phương vẫn được tiến hành đúng lộ trình.

Ngành Giáo dục cần thiết kế đề thi phù hợp, xây dựng phương án tổ chức thi chặt chẽ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để hạn chế sự can thiệp tiêu cực của con người. Phối hợp với các lực lượng khác để tuyên truyền, thay đổi nhận thức của xã hội, tăng cường các chế tài xử phạt, thanh tra, kiểm tra.

Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội khóa 13 quy định, thi tốt nghiệp THPT góp phần cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đã từ lâu, việc ghép “2 trong 1” đã không còn phù hợp bởi mục đích của các kì thi là rất khác nhau.

Do đó, từ 2025, kì thi tốt nghiệp THPT nên làm đúng vai trò của mình là xét tốt nghiệp. Kết quả này có thể là một căn cứ về mặt dữ liệu cho việc tuyển sinh (để tham khảo, để làm tiêu chí phụ…) chứ không nên là căn cứ trực tiếp, quyết định việc tuyển sinh ĐH, CĐ.

Về mặt mức độ thì có thể thấy, ngoài việc thay đổi đề theo hướng đánh giá năng lực người học thì độ khó sẽ giảm đi như thời còn thi riêng tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ; thí sinh dễ dàng đạt 9, 10 điểm. Với các trường ĐH, CĐ thì cần tự chủ hoàn toàn trong vấn đề tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học 2018.

Đánh giá đúng năng lực, phẩm chất người học

Năm 2025, các thí sinh sinh năm 2007 học theo chương trình mới sẽ thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2025, các thí sinh sinh năm 2007 học theo chương trình mới sẽ thi tốt nghiệp THPT.

Chương trình GDPT 2018 đã triển khai được 4 năm với điểm khác biệt căn bản là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Theo thầy Tùng, các bài kiểm tra, đánh giá của các trường, các Sở GD&ĐT với học sinh đang học chương trình, SGK mới chưa có thay đổi gì nhiều, cơ bản vẫn như cũ dẫn đến rất khó để thay đổi cách dạy, cách học.

"Do đó, Bộ GD&ĐT cần xắn tay ngay vào việc xây dựng, biên soạn ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Việc làm này rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc trong khi chúng ta chỉ còn hơn một năm cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025" - thầy Trần Mạnh Tùng nói.

Bộ GD&ĐT cũng cần hướng dẫn, tuyên truyền để các Sở GD&ĐT, các nhà trường nắm được tinh thần này và đổi mới đề thi ngay từ học kỳ 1 năm học 2023-2024. Nếu đến năm 2025 mới áp dụng, học sinh tiếp cận đề thi kiểu mới thì tất cả sẽ “việt vị”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.

Nhiều năm nay, chúng ta vẫn chủ yếu “học để thi” và “thi gì học nấy”. Để việc học có hiệu quả thì thi cử cần quay về mục đích ban đầu của nó là “học gì thi nấy”. Đây là bài toán khó nhất, song nhất định phải làm, nhiều nước tiến bộ cũng đã làm được.

Theo thầy Tùng, đầu tiên cần thay đổi dần cách đánh giá trong nhà trường, xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh không cần học tủ, không cần luyện thi từ đó thay đổi cách dạy và cách học.

Tiếp theo, cần thay đổi nhận thức của người học, của xã hội về mục đích của việc học: Học để hiểu, học để làm được, vận dụng được, học cho bản thân mình. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kì thi, thi xong thì … không còn gì.

Làm được như vậy thì tất cả các môn học đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào việc môn đấy thi hay không thi. Khi đó, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập đúng nghĩa. Đây là trọng trách của ngành giáo dục nhưng cũng cần sự tham gia của các lực lượng khác để, làm mạnh mẽ. Đây là cơ hội để “thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà”.

Cô Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho rằng, lựa chọn phương án ít môn sẽ tiết kiệm chi phí cho việc tổ chức kì thi. Hai năm học 2022-2023 và 2023-2024, toàn ngành Giáo dục đang dạy theo Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018, giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình mới và đầu tư nhiều công sức hơn. Tuy nhiên, nhà trường đã xác định tinh thần này ngay từ những ngày đầu, toàn bộ CBGVNV đều cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ