Ông Phạm Đăng Khoa
Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang là đòi hỏi cấp thiết- không riêng gì với ngành GD&ĐT. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai các chủ trương trên, Bộ Chính trị có kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017; Chính phủ có Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018…
Nghiêm túc thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương, tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Chương trình số 27-CTr/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 1215/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sở GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình và Quyết định này của tỉnh.
Qua đó cho thấy: Việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và vấn đề tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ GV, được triển khai một cách hệ thống từ Trung ương đến các địa phương và có lộ trình cụ thể. Đây là công việc rất quan trọng, không riêng gì ngành GD&ĐT, mà tất cả các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội phải nhanh chóng vào cuộc để thực hiện, với quyết tâm lớn nhất và các bước đi, giải pháp phù hợp nhất.
Thực tế cho thấy: Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ có một số quy định chồng chéo, bất cậpvềphân cấp QLGD, hiện Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi.Ông có suy nghĩ gì?
Đúng là có sự chồng chéo về phân cấp QLGD giữa Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ về quy định cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD&ĐT, cần phải sớm điều chỉnh những bất cập để thống nhất giữa hai Nghị định nói trên. Tất nhiên, kèm theo đó là các Thông tư hướng dẫn thực hiện 2 Nghị định này cũng phải được kịp thời chỉnh sửa cho phù hợp.
Tinh gọn đầu mối các cơ quan tham mưu chuyên ngành thuộc UBND tỉnh là điều khó tránh khỏi. Đang cóđề xuất hợp nhất Sở GD&ĐT với Sở Khoa học - Công nghệ thành Sở Giáo dục và Khoa học, công nghệ. Ý của ông thế nào?
Theo thông tin ở một số tờ báo, Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đề xuất hợp nhất Sở GD&ĐT với Sở Khoa học - công nghệ thành Sở Giáo dục và Khoa học, công nghệ.
Theo tôi: chắc chắn việc quy định số lượng tổ chức cơ quan chuyên môn (Sở-ngành) thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi tỉnh, thành phố. Những địa phương có diện tích nhỏ, dân số ít, sẽ có số lượng Sở-ngành ít hơn các địa phương có diện tích và dân số lớn.
Sinh viên Trường CĐSP Đăk Lăk trao đổi sau buổi thi cuối năm học (ảnh ĐLY) |
Không ít vị Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho rằng: Lâu nay họ gần như không có thẩm quyền chỉ đạo các cơ sở GD trực thuộc về công tác nhân sự cũng như tài chính. Dẫn đến việc chỉ đạo các trường học rơi vào tình trạng “được chăng hay chớ”. Có người đã đề nghị nên giải thể các Phòng GD&ĐT… Ông có trăn trở gì không?
Thực tế có cá nhân đề xuất giải thể Phòng GD&ĐT các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, chứ không phải là dư luận của xã hội. Theo tôi, Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện quản lý Nhà nước về GD&ĐT trên địa bàn. Hệ thống chính quyền của Nhà nước ta gồm 4 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Vì vậy, có cấp huyện đương nhiên phải có các cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện quản lý về mặt Nhà nước, nên phải có Phòng GD&ĐT mới giúp UBND cấp huyện quản lý về lĩnh vực GD&ĐT một cách hiệu lực, hiệu quả. Do đó việc đề xuất giải thể Phòng GD&ĐT các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ không phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Để“đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế”, vấn đề cần thống nhất quản lý GD tập trung một đầu mối là hết sức cần thiết. Theo ông, cần đưa vấn đề này vào Dự thảo Luật Giáo dục đang sửa đổi, bổ sung lần này hay không?
Như tôi đã đề cập ở trên, Luật Giáo dục là cái gốc để quản lý Nhà nước về GD&ĐT hiệu lực, hiệu quả, cũng là cái gốc để tinh gọn, tinh giản bộ máy QLGD và đội ngũ GV, là cơ sở số 1 để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GD&ĐT. Vì vậy, những vấn đề bức xúc của Luật Giáo dục, lâu nay qua thực tế kiểm nghiệm cho thấy chưa phù hợp, thì cần phải sớm điều chỉnh, bổ sung; thậm chí cần phải bổ sung toàn diện nhiều nội dung… Khi đó Luật Giáo dục mới phát huy tác dụng cao nhất, tốt nhất, đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hội nhập quốc tế đang rất nóng hiện nay…
Xin cám ơn ông!