Cần quyết liệt trong cách nghĩ, cách làm

Cần quyết liệt trong cách nghĩ, cách làm

(GD&TĐ) - Thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học, sáng 7-4, tại trường ĐH SPKT TP.HCM, Hội thảo về đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đọan 2010-2012 đã được diễn ra. Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT, GS.TS  Phạm Vũ Luận chủ trì hội thảo.

thu truong dang nghi nhan nhung de xuat, dong gop cho cong uoc doi moi
Thứ trưởng TT Phạm Vũ Luận ghi nhận những đề xuất, đóng góp cho công cuộc đổi mới

Tại hội thảo rất nhiều ý kiến đóng góp, rất nhiều tham luận, các phân tích báo cáo được đại biểu đưa ra. Trong đó, phần lớn tập trung vào những điểm chính sau: chất lượng đội ngũ, cơ chế quản lý, chương trình đào tạo, nguồn lực về cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học, mối tương quan giữa nhà trường và xã hội, giữa sinh viên với doanh nghiệp và giữa giảng viên với sinh viên, công tác đào tạo và hợp tác quốc tế…

TS Đặng Trường Sơn, trưởng khoa Công Nghệ Thông tin trường ĐH SPKT cho rằng: Bên cạnh những nội dung cần được nghiên cứu, thay đổi và cần có sự điều chỉnh thì việc điều chỉnh chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế là một việc phải tập trung làm ngay. Bởi theo TS Sơn  mỗi chương trình đào tạo đều có những mục tiêu ngành nghề riêng. Tuy nhiên, những chuyển biến nhanh chóng của cuộc sống xã hội khiến chúng ta buộc phải nhanh chóng thích ứng.

Đặc thù phát triển của thế giới hiện nay là tòan cầu hóa, chính vì thế chương trình đào tạo phải đáp ứng không chỉ nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam mà còn phải có khả năng thích ứng, mở rộng ra các môi trường lao động quốc tế. Trong đó, chúng ta cần phải thẳng thắn xem lại tình hình thực tiễn của các chương trình đào tạo. Mục tiêu ấy cần phải được xây dựng trên chiến lược phát triển của tòan ngành và phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Sẽ không thể nâng được chất lượng GDĐH nếu chúng ta không thường xuyên xác định, đối tượng đào tạo của chúng ta là ai? Đội ngũ giảng viên chúng ta đang có thật sự phù hợp chưa? Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu…

Đồng ý quan điểm với TS Sơn, Thạc sĩ Lý Thiên Trang, Trung tâm đào tạo hợp tác quốc tế cho rằng: sẽ không thể có chất lượng GDĐH tốt nếu mọi nguồn lực đều hạn hẹp, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Theo Thạc sĩ Trang, để nâng cao chất lượng GDĐH thì cần phải giải được bài tóan giữa số lượng và chất lượng, đây là một bài tóan khó vì hiện tại số lượng sinh viên đang gia tăng đáng kể với 1,7 triệu sinh viên. Song song đó, công tác liên kết với các doanh nghiệp cũng là một kênh nhằm nâng cao chất lượng GDĐH một cách hữu hiệu, khi mà doanh nghiệp chính là nơi tiếp nhận sản phẩm của trường học. Nếu nhà trường không tạo được mối liên kết thì không thể nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp (nhu cầu xã hội) để từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế xã hội. Trong những hình thái mà các đại biểu đưa ra nhằm xác định rõ những mục tiêu cần phải thay đổi trong tương lai thì vấn đề về tư duy và tự than thay  đổi lại không được nói nhiều. 

Thu truong Luan di tham co so vat chat truong dai hoc su pham ky thuat
Thứ trưởng TT Phạm Vũ Luận đi thăm cơ sở vật chất trường ĐH Sư phạm kỹ thuật

Theo TS Đặng Thiên Ngôn, trưởng khoa cơ khí chế tạo máy thì: điều quan trọng nhất của qúa trình thay đổi, nâng chất GDĐH phải bắt nguồn từ việc đổi mới nhận thức của mỗi người. Sẽ không thể có được một bài giảng hay, chất lượng hoặc một chính sách phát triển, nâng chất tòan diện khi bản thân người thầy vẫn chưa có sự “vận hành” trong đổi mới nhận thức.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu phó trường ĐH SPKT cho rằng: nếu chúng ta kiện tòan được những hạn chế, tháo gỡ những tồn đọng về các quy luật như: quy luật cung cầu, quy luật về mối quan hệ giữa lượng và chất, quy luật về sự cạnh tranh, hay những ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục như: ảnh hưởng của kinh tế thị trường, hệ thống giáo dục cần phải có sự  tự thích ứng, văn hóa đọc và văn hóa nghiên cứu khoa học… thì chất lượng GDĐH sẽ được cải thiện.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận cho rằng: Nếu không có một giải pháp đổi mới, nâng chất lượng đào tạo một cách đồng bộ, không tập trung làm một cách quyết liệt với những mục tiêu trọng tâm đã được xác định thì công tác nâng cao chất lượng GDĐH và đổi mới quản lý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi” và vướng vào căn bệnh thành tích.

Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng GDĐH được xem là một nhiệm vụ trọng tâm lớn của ngành trong giai đọan 2010-2015. Chính vì thế, qua các buổi hội thảo như thế này, Bộ GD-ĐT không chỉ đơn thuần muốn các nhà giáo, nhà khoa học, các vị GS, TS làm công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo… bắt bệnh, chỉ tên, mà còn mong muốn tìm ra những giải pháp, những kế sách nhằm thực hiện nhiệm vụ trên theo chỉ đạo của Thủ tướng một cách hiệu quả và thực chất nhất.

Cũng theo Thứ trưởng TT, công tác đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH là một công việc dài hơi, mang tính chiến lược, không thể đòi hỏi có hiệu qủa ngay trong một sớm một chiều. Các trường cần phải quyết liệt làm ngay, làm một cách triệt để, để sớm đưa kế họach và lộ trình đổi mới, phát triển đi vào “đường ray” ổn định.

Hy vọng, với sự đồng thuận, đồng lòng của đội ngũ thầy cô giáo, các nhà khoa học, đội ngũ  GS,TS giàu kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu giáo dục, công cuộc đổi mới và nâng chất GDĐH sẽ thật sự mang lại hiệu quả trong thời gian tới.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ