Cần phổ biến và tổ chức triển khai luật trên thực tế

GD&TĐ - Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng Luật chỉ thực sự có giá trị khi được áp dụng thật và hiệu quả trong cuộc sống.

Cần có một nghị quyết khẩn cấp về phòng chống dịch

Góp ý về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu: Việt Nam đã trải qua hơn 18 tháng chống dịch rất thành công.

Tuy nhiên, đợt bùng phát lần thứ tư này thì quá nhanh, lan ra gần 60 tỉnh thành, dịch đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, chỉ trong chưa đầy 2 tháng con số nhiễm bệnh đã tăng lên đến gần 50.000 người. Điều này gây tổn hại về sức khỏe, về tâm lý, về của cải, kinh tế, công ăn, việc làm, an sinh xã hội của đất nước là rất lớn.

Nguy hiểm là dịch COVID phức tạp về diễn biến, khó lường về mức độ nguy hại và rất khó biết về các tác nhân gây bệnh mới do liên tục có biến chủng. Khó có thể nói đại dịch COVID sẽ sớm chấm dứt ở Việt Nam và trên bình diện toàn cầu.

“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, chưa có bất kỳ một văn bản chính thức độc lập nào về việc phòng, chống dịch COVID. Bởi vậy, tôi mong muốn Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một nghị quyết khẩn cấp về việc phòng và chống đại dịch COVID-19” – đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.

Lý giải về kiến nghị trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng: Nhân dân cần Quốc hội vào cuộc mạnh mẽ hơn, chính thức hơn. Nhân dân cần có Nghị quyết đó của Quốc hội để đồng lòng hơn, quyết tâm hơn trong việc chống dịch. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần có Nghị quyết của Quốc hội để gắn kết hơn, để vững vàng, tự tin và có chỗ dựa của luật pháp để chống dịch mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Một số Luật cần được thực thi

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng nói về kế hoạch xây dựng hoặc sửa đổi luật đã được thảo luận ở các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, nhưng không có tên trong kế hoạch năm 2021 và cả năm 2022. Tiêu biểu là một loạt luật về y tế và về sức khỏe.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các dự án luật cần sửa theo yêu cầu của Trung ương và Quốc hội cho thấy các luật như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân, Luật Hiến lấy, ghép, mô, bộ phận cơ thể người, Luật Y dược cổ truyền, Luật Trang thiết bị y tế. Tất cả đều đã có kế hoạch trình Quốc hội năm 2020 nhưng đều không được đưa vào.

Ngoài ra, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), các luật như Luật về Hội, Luật Biểu tình đã được đề cập ở khóa XIII thì đến nay lại được đưa ra khỏi chương trình, giao lại cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.

“Cử tri cần một sự giải thích từ Quốc hội thật trách nhiệm, thật có lý và có sức thuyết phục về lý do đưa ra khỏi chương trình 4 luật này” – đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Quốc hội cần đưa một kế hoạch để sửa đổi sớm 2 luật là Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám, chữa bệnh vì rất cần phải sửa đổi. Lý do thay đổi là vì hoạt động khám, chữa bệnh đang thay đổi rất nhiều.

Ông Trí nêu: Khám bệnh bây giờ không phải nhìn, sờ, gõ, nghe nữa mà chủ yếu dựa vào thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mổ xẻ thì có thể đã được thực hiện bởi máy móc. Bác sĩ kê đơn từ xa, không cần phải ngồi ngay cạnh bệnh nhân. Cuộc cách mạng 4.0 đã bao phủ đời sống nhân loại. Chuyển đổi số đã là sự thật trong nhiều lĩnh vực, nhất là y tế, dịch bệnh thì liên miên, hoành hành dữ dội trên quy mô toàn cầu.

Tổ chức hệ thống y tế ở mỗi quốc gia đã có sự thay đổi rất lớn về các tuyến, các hãng, về tính chuyên khoa, đa khoa, xuất hiện các Trung tâm chẩn đoán, Trung tâm xét nghiệm độc lập phục vụ cho nhiều bệnh viện và cả vùng cộng đồng, quy mô số lượng, mệnh giá, nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế của xã hội Việt Nam đã khác trước rất nhiều ở mấy năm qua.

“Bởi vậy, Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế rất cần được sửa đổi, lần này nếu sửa đổi thì phải chứa đựng và nổi bật cho được những thay đổi đó của đời sống, của xã hội và của con người” – ông Trí nói.

Cũng theo ông Trí, các bộ luật, luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội đã thông qua cần phải được triển khai thực thi thật sự và nhiều nhất trong thực tiễn của cuộc sống xã hội.

“Đề nghị Chính phủ, các Bộ, các địa phương, các ban, ngành và đoàn thể không chỉ soạn thảo, chuẩn bị luật mà sau khi Quốc hội thông qua cần truyền thông, phổ biến và tổ chức triển khai luật trên thực tế. Còn nhân dân thì cần chấp hành luật pháp và Quốc hội thì không chỉ thảo luận và bấm nút thông qua luật mà phải có kế hoạch để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai luật trong đời sống xã hội” – đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.