Cần phát huy các di sản văn hóa phi vật thể

GD&TĐ - Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể khác của dân tộc đã được UNESCO công nhận trước đó như: Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Hát Xoan, Dân ca quan họ, Đờn ca tài tử Nam bộ… Mới đây nhất, Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ cũng đã chính thức được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cần phát huy các di sản văn hóa phi vật thể

Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa nói chung, các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là trách nhiệm không của riêng ai, trong đó, giới trẻ đóng vai trò quan trọng...

Mỗi di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được UNESCO công nhận đều chứa đựng bên trong những nét tinh túy mang bản sắc riêng gắn liền với không gian cư trú, sinh hoạt của người dân ở các địa phương từ bao đời nay. Chẳng hạn, Nhã nhạc cung đình Huế có tuổi đời gần 1.000 năm, là sự kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long; Dân ca quan họ Bắc Ninh mộc mạc, đằm thắm mà tinh tế thể hiện cốt cách của người dân Kinh Bắc; Cồng chiêng Tây Nguyên diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày, gắn bó mật thiết với đời sống tâm hồn người dân Tây Nguyên từ bao đời nay; Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ thể hiện rõ cốt cách, khí chất người dân miền Trung ở mảnh đất đầy nắng và gió… Mỗi di sản văn hóa khi được thế giới công nhận, vinh danh sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở và làm sâu sắc thêm niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Những di sản văn hóa phi vật thể vì thế không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa đã được nhân loại tôn vinh, trước hết cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của giáo dục di sản đối với các tầng lớp trong xã hội nói chung, với giới trẻ nói riêng. Các hoạt động giáo dục di sản cần phù hợp với tâm lý lứa tuổi, gắn lý thuyết với thực hành.

Trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động thời gian qua, có hai nội dung liên quan đến việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa: Tổ chức đời sống văn hóa trong nhà trường gắn với việc khai thác văn hóa dân gian; chăm sóc di sản gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là hoạt động thiết thực, phù hợp nhưng cần được tiến hành có chiều sâu hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động đưa dân ca vào trường học và dạy hát dân ca trên truyền hình cũng được xem là những hình thức quan trọng góp phần chuyển giao giữa các thế hệ. Bằng cách học các làn điệu dân ca và thông qua các cuộc thi hát dân ca trong trường học, thế hệ trẻ đã có những hiểu biết nhất định về vốn văn hóa truyền thống của quê hương. Từ các phong trào này, nhiều giáo viên và học sinh đã say mê những làn điệu dân ca.

Không chỉ hát, diễn, họ còn sáng tác lời mới phục vụ các hoạt động văn nghệ quần chúng của nhà trường cũng như địa phương. Trước nguy cơ mai một các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cần có sự đầu tư bài bản, hệ thống, có chiều sâu về các cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, vật lực, trong đó yếu tố con người phải đặt lên hàng đầu. Đây cũng là biện pháp quan trọng nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.