Cần nhìn đúng về xếp hạng đại học

GD&TĐ - Ngày 7/6, giáo dục đại học (GD ĐH) Việt Nam đón nhận tin vui khi lần đầu tiên có 2 ĐH nằm trong top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings). 

Cần nhìn đúng về xếp hạng đại học

Trước thông tin này, TS Tôn Quang Cường - Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH GD, ĐHQG Hà Nội) - cho rằng, đây là một kì tích trong GD ĐH của nước nhà, ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lí và những bên liên quan trong lĩnh vực này.

Theo TS Tôn Quang Cường, cũng không nên quá sa đà vào chi tiết hay bàn luận sâu mà cần nhìn nhận thẳng vào vấn đề là lần đầu tiên chúng ta đánh dấu được vị trí của mình trên bản đồ uy tín của ĐH thế giới (cũng tương tự như lần đầu tiên chúng ta ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng PISA mấy năm trước).

Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường cũng cho rằng, cuộc chơi xếp hạng này khá khắc nghiệt mà không phải ĐH nào trong nước cũng có thể tham gia cả về mặt khách quan lẫn chủ quan.

Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay cũng có khá nhiều ý kiến của chuyên gia uy tín thế giới cho rằng không nhất thiết phải tham gia cuộc chơi xếp hạng này để phát triển ĐH (phần lớn các ĐH của Liên bang Nga, Thụy Sĩ là ví dụ điển hình).

Đó là chưa bàn đến các bảng xếp hạng có hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp loại khác nhau nên thứ hạng của mỗi trường trong trường hợp này cũng chưa chắc là tương đương! Phillip Albatch, chuyên gia hàng đầu về GD ĐH thế giới từng lên tiếng kêu gọi các gã khổng lồ (các trường ĐH luôn thống trị tốp dẫn đầu) nên tự nguyện từ bỏ tham gia xếp hạng bởi vì họ đã quá nổi tiếng.

Việc xếp hạng đối với họ không có tác động gì lớn đến các lĩnh vực hoạt động thường ngày hay thay đổi bản chất cấu trúc và chiến lược phát triển của họ.

TS Tôn Quang Cường phân tích: Một cuộc chơi tốn kém khi tham gia các bảng xếp hạng THE (Times Higher Education), QS vốn chỉ thiên về sản phẩm nghiên cứu và danh tiếng (đối với nhà tuyển dụng, sinh viên và trong giới ĐH lẫn nhau). Trong khi đó mỗi trường ĐH còn có quá nhiều việc phải làm, cần tập trung dồn mọi nguồn lực để phát triển chính mình hơn là để cho mọi người biết đến mình!

Xét về tổng thể, top 100 trường cũng chỉ chiếm 0,5% tổng số trường ĐH hiện nay trên thế giới và 0,4% số sinh viên. Tỉ lệ này sẽ còn thấp hơn nữa nếu theo dự báo đến năm 2030, số sinh viên trên thế giới sẽ vào khoảng 414,2 triệu người thì sẽ cần thành lập 14.000 trường ĐH cỡ lớn (30.000 sinh viên/trường).

“Xin đơn cử một ví dụ khác, ĐH Harvard danh tiếng năm 2017 có tỉ lệ chọn sinh viên khoảng 5%; trong khi đó, tỉ lệ này ở ĐH Minerva Schools at KGI (một mô hình ĐH mới, thành lập năm 2015) là 1,27%. Thực tế là ĐH Minerva chưa đủ sức để đọ với Harvard theo các tiêu chí xếp hạng truyền thống nhưng chỉ cần tuyên bố sẽ là thành viên Ivy League (nhóm ĐH danh tiếng) trong vòng 10 năm tới với nửa giá đào tạo đã gây một cơn sốt về sức hút ĐH trong 3 năm qua trên thế giới”, TS Tôn Quang Cường nêu rõ.

Theo cách nhìn nhận của mình, Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa Sư phạm của Trường ĐH GD cho rằng: Xếp hạng ĐH theo cách này hoàn toàn không phải là đích đến của chúng ta hướng đến, mà là một cơ hội để tự đánh giá lại tiềm năng và những định hướng mới của GD ĐH nước nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ