Cân nhắc chế độ hợp đồng xác định thời hạn tại các trường vùng khó

GD&TĐ - Là một nhà giáo, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) đã đưa ra một số góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có liên quan mật thiết đến giáo dục.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Không nên cứng nhắc

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới hiện có 2 phương án được đưa ra.

Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2).

Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, không nên cứng nhắc quy định lựa chọn một trong 2 phương án. Bởi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ thì việc thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn sẽ tạo được môi trường làm việc tích cực; khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên thực tế, việc thực hiện tự chủ còn khó khăn, vướng mắc ở cơ chế, chính sách nên nhiều đơn vị sự nghiệp chưa thể tự chủ. Đặc biệt, với các trường học thuộc khối phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn thì việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn sẽ không thể thu hút được sinh viên theo nghề, bám trường, bám lớp. Giáo viên công tác tại các vùng đó không còn tâm huyết cống hiến cho nghề bởi có thể bị đuổi bất cứ khi nào. Ngoài ra, việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần sẽ vi phạm Bộ Luật Lao động ở quy định không ký hợp đồng xác định thời hạn quá 2 lần.

“Chính phủ cần cân nhắc, thận trọng, đánh giá tác động của chính sách này kỹ hơn nữa. Cần quy định cụ thể từng đối tượng chịu tác động của chính sách này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng loại hình đơn vị, tránh gây bức xúc trong dư luận” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc

Tạo điều kiện cho nhà giáo muốn nghỉ hưu sớm

Nghị quyết 108/NQ-CP về chủ trương tinh giản biên chế đang được áp dụng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, thông qua giám sát của ủy ban về thực hiện chính sách pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, có nhiều kiến nghị về bất cập trong Luật như: Nhiều nhà giáo đã nhiều tuổi muốn được hưởng chế độ ưu tiên để về hưu sớm tạo điều kiện cho lớp trẻ; tuy nhiên, quy định hiện nay chưa tạo điều kiện cho người muốn về hưu sớm. Mà muốn thôi làm nhiệm vụ thì lại quy định 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ.

 

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức, viên chức là hết sức cần thiết. Bộ luật sẽ tác động đến lực lượng lao động lớn trong hệ thống đơn vị hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra sửa đổi, bổ sung 17 điều, khoản, điểm và bãi bỏ 2 khoản, điểm của luật nhưng lại có tới 13 điểm, khoản giao cho chính phủ quy định chi tiết. Riêng với Điều 84 có 5 khoản thì có đến 4 khoản giao chính phủ. Việc giao chính phủ quy định quá nhiều như vậy làm cho bức tranh toàn cảnh của bộ luật này không rõ ràng, mơ hồ. Việc thực thi và áp dụng luật phụ thuộc quá nhiều vào Nghị định, thông tư hướng dẫn. Điều này cho thấy chất lượng của dự thảo Luật chưa cao, cần xem xét kỹ lưỡng hơn nữa và rà soát sửa đổi toàn bộ dự thảo luật.

 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc

“Tại khoản 3, Điều 29 và khoản 3, Điều 58 về phân loại đánh giá cán bộ, công chức có quy định: “Cán bộ có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ”. Việc quy định như dự thảo luật là chưa chặt chẽ và dễ gây hiểu sai, bởi với các cơ quan tổ chức khi xếp loại đánh giá công chức, viên chức gắn với thi đua khen thưởng được dựa trên kết quả, mức độ hoàn thành công việc trong cả một năm làm việc. Việc phân loại đánh giá được tiến hành vào dịp cuối năm và được lấy theo ý kiến, đánh giá của tập thể cơ quan, đơn vị. Tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “được phân loại đánh giá” và sửa lại như sau: “Cán bộ có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc góp ý thêm.

Cũng liên quan đến tuổi hưu, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề cập đến việc sửa nội dung liên quan đến thời gian cam kết tình nguyện làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, điểm a, khoản 2, Điều 37 về phương thức tuyển dụng công chức, quy định: “Cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nên sửa lại thành: “Cam kết tình nguyện làm việc đối với công chức là nam từ 5 năm trở lên và đối với công chức là nữ từ 3 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Lý do: Khoản 1 Điều 187 của Bộ Luật Lao động 2012 quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55; đồng thời Điều 153 của Bộ Luật Lao động 2012 có quy định về chính sách đối với lao động nữ, nhằm giúp lao động nữ kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình, phát huy được hiệu quả năng lực nghề nghiệp. Quy định theo hướng giảm thời gian công tác cho công chức nữ sẽ tạo điều kiện cho lao động nữ và phù hợp với quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ