Xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe ?
Khi đại dịch Covid – 19 bùng phát trở lại, lập tức đã có người lợi dụng MXH để đăng tin giả mạo phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Rất nhanh, các cơ quan chức năng truy tìm ra được ngay đối tượng tung tin thất thiệt. Đó là bà Vương Thị Thanh Huyền (sinh năm 1995, trú thành phố Huế) - chủ tài khoản Facebook "Vương Huyền Túi".
Bài đăng tài tài khoản này đã đưa ra nội dung bịa đặt rằng: "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: Nếu ai có ý định đi du lịch khi vé đang rẻ thì hãy suy nghĩ lại bằng sự thấu đáo của mình… Tuần sau là mốc quan trọng!!! Chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 ca lên mức 100-500 ca! Và có khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1000-5000 ca!...".
Đến sáng 28/7, sau khi được nhắc nhở, bà Huyền nhận ra việc làm của bản thân là không đúng nên đã chủ động gỡ bài đăng này. Mặc dù bà Huyền khai rằng bản thân không có mục đích gì, không có ý định câu like hay câu view. Nhưng hành vi của bà Huyền đã phát tán thông tin giả mạo , thông tin sai sự thật.
Việc làm nêu trên đã vi phạm vào khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 13/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Với hành vi như vậy, bà Huyền đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng và đã viết cam kết sẽ không tái phạm.
Cũng với hành vi tương tư, ca sỹ Hòa Minzy - một ca sĩ được giới trẻ yêu thích cũng đã có hành vi đã chia sẻ tin giả được cho là phát ngôn của Phó thủ tưởng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống COVID-19.
Ngay khi được thông báo đây là tin giả, ca sĩ Hòa Minzy (tên thật là Nguyễn Thị Hòa) đã chủ động đến làm việc với Sở Thông tin và truyền thông TP Hồ Chí Minh. Với việc làm vi phạm nêu trên, ca sỹ Hòa Minzy đã bị xử phạt với mức tiền 7,5 triệu đồng. Trước cơ quan chức năng ca sỹ Hòa Minzy đã hứa sẽ cẩn thận hơn trong việc chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 trên MXH.
Cũng trong những ngày qua, trên MXH đã chia sẻ thông tin tại TP Hồ Chí Minh phát hiện một bệnh nhân nữ mắc COVID-19 từ Đà Nẵng trở về, có tên L.T.T.H (sinh năm 1974, trú tại phường 12, quận Gò Vấp). Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khẳng định thông tin trên là không đúng sự thật.
Kết quả xét nghiệm vào ngày 27/7/2020 cho thấy chị L.T.T.H âm tính với virus SARS-COV-2. Và chị L.T.T.H sẽ tiếp tục bị xử phạt về hành vi đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh ở TP Đà Nẵng. Được biết, trong thời gian tới đây một cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cũng sẽ bị xử lý theo quy định phát luật.
Cần giáo dục văn hoá sử dụng MXH
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt hạn chế "đại dịch" tin giả, tin xấu độc trên MXH.
Tuy nhiên, tình trạng "đại dịch" về tin giả, tin xấu độc vẫn còn phổ biến, chính vì vậy sắp tới, để chấn chỉnh tình trạng đưa thông tin sai sự thật trên MXH và trên báo chí. Theo đó, cần phải có các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa các trường hợp đưa tin sai sự thật, tin không kiểm chứng trên MXH và trên báo chí.
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân cân nhắc kỹ khi chia sẻ các thông tin trên MXH để tránh gây hoang mang dư luận trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 tại các tỉnh thành trong cả nước.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng, hiện đang có tới 58 triệu người dùng MXH. Những con số trên phản ánh quy mô, mức độ sử dụng MXH Việt Nam đang phát triển mạnh, ngày càng giống như một xã hội trên môi trường internet.
Ngoài lợi ích to lớn, MXH cũng còn tiềm ẩn nhiều "đại dịch" tin giả gây mất trật tự an ninh xã hội.
Nắm bắt được tình hình số người còn tin vào những thông tin sai lệch trên MXH, từ năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, trong đó đã có những quy định khá cụ thể về hành vi thông tin sai sự thật trên môi trường viễn thông. Theo khoản a và b, Điểm 3, Điều 64 Nghị định 174 nêu rõ việc xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước.
Mới đây, khi Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 174, trong đó có Điều 101 quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia MXH. Theo đó người sử dụng MXH sẽ bị xử phạt với các hành vi cung cấp, chia sẻ: Thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành, hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
Nhìn từ góc độ văn hóa, các nhà nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra bản chất văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã, con người Việt Nam duy tình, tính cố kết cộng đồng cao. Do đó, yêu cầu khi sử dụng MXH lại đòi hỏi phải lý tính, biết suy xét nên đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin nào là thiết thực, bổ ích; đồng thời, không soi mói, quá tò mò chuyện cá nhân người khác để tỏ vẻ mình là người thạo tin, có sức ảnh hưởng.
Chính vì vậy cần song hành hai biện pháp xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời kiên trì tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho người dân, nhất là giới trẻ cần giáo dục, định hướng hình thành văn hoá sử dụng MXH. Chỉ có như vậy mới, văn hóa sử dụng MXH sẽ sớm hình thành, qua đó góp phần ngăn chặn "đại dịch" tin giả, xấu độc trên MXH.