Trước vấn đề được Tổng Bí thư nêu ra: "Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?", câu hỏi nêu trên đã cho thấy, việc cất nhắc, bổ nhiệm người thân, người nhà vào bộ máy nhà nước đã bị phát hiện và nhìn rõ chân tướng.
Thực tế, vấn đề cất nhắc, bổ nhiệm người nhà trong bộ máy nhà nước đã xảy ra phổ biến, dẫn đến việc hình thành nên các nhóm lợi ích... gây bức xúc dư luận. Khi dư luận phản ánh có tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà, các cấp lãnh đạo chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh để làm rõ điều dư luận phản ánh thì kết quả đều... đúng quy trình(?).
Nguyên nhân là bởi qua kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm đều đúng theo quy trình như cán bộ đủ tiêu chuẩn, nằm trong quy hoạch, đã lấy phiếu tín nhiệm, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm theo quy định… nên chuyện dư luận, báo chí có phản ánh ông này, bà nọ là con cháu, họ hàng với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo bộ nhưng ít khi xử lý.
Hậu quả của việc bổ nhiệm người nhà tuy không thể thấy được trước mắt, nhưng sẽ xảy ra lâu dài. Đó là việc giảm sút lòng tin của nhân dân, cán bộ, công chức vào bộ máy nhà nước; dẫn đến cấp dưới không phục tùng cấp trên, không có sự đoàn kết, phối hợp trong công tác; đấu đá, mâu thuẫn nội bộ, triệt tiêu sự sáng tạo, cống hiến, tinh thần nhiệt huyết trong công việc của cấp dưới…,nhất là không thể thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước làm việc.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà diễn ra tinh vi, khó phát hiện, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiệu quả, do xuất phát từ những quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chặt chẽ.
Có thể khẳng định rằng, việc tuyển dụng, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, luân chuyển,... cán bộ, công chức hiện nay được quy định rất cụ thể ở Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Tuy nhiên, chưa có quy định nào đặt ra yêu cầu những người có quan hệ họ hàng, quan hệ huyết thống với nhau thì không được phép làm trong cùng một cơ quan nhà nước.
Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng hạn chế việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào làm việc trong cùng cơ quan là cần thiết, (Ví dụ: Giám đốc Sở A thì không được phép tuyển dụng, bổ nhiệm vợ hoặc chồng, con cái, anh chị em vợ hoặc chồng vào làm việc trong cùng cơ quan); tách bạch mối quan hệ người nhà với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; nghiêm cấm việc vận động, tác động để bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển người thân… Mọi hành vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Đồng thời, để hạn chế được việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của lãnh đạo, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Ví dụ, Giám đốc Sở A phải có trách nhiệm khai báo về con cái, anh em, họ hàng thân thuộc đang làm việc trong bộ máy nhà nước để giám sát.
Quá trình bổ nhiệm người nhà của Giám đốc Sở A phải có sự giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, nếu người nhà của Giám đốc Sở A có thực tài, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, được tín nhiệm thì họ vẫn xứng đáng được bổ nhiệm. Sau khi bổ nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý cán bộ cấp trên để tiếp tục làm công tác hậu kiểm tra, giám sát.
Cũng không nên cho rằng trong mọi trường hợp thì việc bổ nhiệm người nhà của lãnh đạo đều là tiêu cực, “con ông cháu cha”, mà cần có cái nhìn khách quan, đánh giá toàn diện, tránh trường hợp nghi ngờ, suy diễn không có căn cứ sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan nhà nước hiện nay.