“Cân não” với… “Sinh tử”?

GD&TĐ - Không ít khán giả yêu phim truyền hình Việt đang đếm ngược thời gian chờ phim “Sinh tử” do VFC sản xuất lên sóng lúc 21 giờ từ ngày 4/11. Cũng bởi, đã khá lâu mới có bộ phim “chính luận” và rất có thể sẽ “cân não” khi đề cập các vấn đề tham nhũng, quyền lực…

Bộ phim “Sinh tử” được hy vọng sẽ là “bom tấn” của dòng phim chính luận sau gần 10 năm vắng bóng trên truyền hình. Ảnh: VFC.
Bộ phim “Sinh tử” được hy vọng sẽ là “bom tấn” của dòng phim chính luận sau gần 10 năm vắng bóng trên truyền hình. Ảnh: VFC.

Chạm đến nhiều vấn đề xã hội nóng

Đã ngót 10 năm sóng truyền hình thiếu vắng dòng phim chính luận, sau những “Chạy án”, “Bí thư tỉnh ủy” hay “Chủ tịch tỉnh”… Hơn nữa, với một hiện thực ăm ắp chất liệu, sự xuất hiện của “Sinh tử” càng được mong đợi hơn bao giờ hết.

Với độ dài khoảng 70 tập, “Sinh tử” kể về quá trình “làm giàu” của một tỉnh mới được thành lập – tỉnh Việt Thanh. Đấy là quá trình “làm giàu” ban đầu tưởng dễ như trở bàn tay khi tỉnh này có một ông chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa xông xáo, dám nghĩ dám làm. Ông chủ tịch ấy mời gọi được nguồn vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân - điển hình là Tập đoàn Hồng Vũ đã mạnh tay đầu tư hàng loạt các dự án kinh tế lớn.

Tỉnh Việt Thanh thay da đổi thịt là nhờ vào Tập đoàn Hồng Vũ có ông Chủ tịch Tập đoàn Mai Hồng Vũ đầy nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế.

Dựa vào các mối quan hệ từ cấp tỉnh cho đến các bộ, ngành được dày công kết nối, anh ta đã không ngừng tiếp cận rồi tích cực đầu tư vào các dự án khai khoáng mỏ, bất động sản, cổ phần hóa các nhà máy… ở vùng đất mới này.

Thế nhưng, Việt Thanh bỗng trở thành tâm điểm của dư luận khi để xảy ra vụ tai nạn sập mỏ đá Thanh Lâm gây chết người - mỏ đá do Tập đoàn Hồng Vũ đầu tư.

Từ đây, các cơ quan điều tra bóc dần các lớp liên minh ma quỷ của những nhóm lợi ích giữa các quan chức nắm quyền, giữa người thực thi pháp luật và các doanh nghiệp. Quá trình sa ngã, tham nhũng, tha hóa quyền lực trong các cán bộ giữ vị trí quan trọng ở các cơ quan công quyền, từ huyện cho đến tỉnh, từ sở cho đến bộ…

Chẳng thế mà, ngay từ trailer, “Sinh tử” đã cho thấy sức hấp dẫn trong những đối thoại chan chát của hai tuyến nhân vật chủ chốt: Tuyến quan chức gồm bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh và tuyến doanh nhân. Một ông chủ tịch tỉnh coi mọi chuyện thành bại là ở cái đầu đã sốt sắng trước vụ sập mỏ Thanh Lâm: “Yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng phải vào việc một cách khẩn trương”.

Một ông bí thư tỉnh đau đáu: “Vụ sập mỏ đêm qua, các đồng chí ngồi đây không ai bị xước đến một cái móng chân nhưng đã có 9 người tử nạn”.

Một thế giới tội phạm kinh tế đầy tinh vi khi chúng đan cài chằng chịt trong các mối quan hệ với quan chức: “Vào đấy nó sẽ khai toẹt ra hết, rồi sẽ khai cả thâm cung bí sử của Việt Thanh”; “Thế ông nghĩ người ta dễ dàng cho ông hạ cánh an toàn thế à?”…

Thế nhưng, theo đạo diễn, NSND Khải Hưng - người thực hiện 30 tập đầu của bộ phim, trong cuộc đấu tranh sinh - tử này, còn là những sự dấn thân bảo vệ lẽ phải để đem lại sự công bằng cho xã hội, sự quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không ngại va chạm…

Và như sự chia sẻ của đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam, ông tin rằng, “Sinh tử” sẽ tránh được những định kiến là khô khan, khuôn mẫu, nặng tính tuyên truyền vốn gắn cho dòng phim chính luận.

Trái lại “Sinh tử” đủ sức đem đến cho khán giả những cảm xúc chân thực khi có nhiều tình huống khiến khán giả liên tưởng tới các vụ trọng án đời thực…

Sức hấp dẫn trong muôn cái khó

Nhớ hồi tháng 8, khi gặp NSND Hoàng Dũng, tôi đã được ông bật mí rằng đang tham gia dự án phim truyền hình mang tên “Sinh tử”. Phim bắt đầu được quay ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc giữa những ngày hè bỏng rát.

NSND Hoàng Dũng tâm đắc với vai diễn trong “Sinh tử” nhưng không phải vì lần đầu ông đảm nhận vai diễn chính khách như thế. Trước đó, ông từng vào vai Chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ẩn trong phim “Đàn trời”. Nhưng “màu sắc” của nhân vật đó không quá phức tạp như Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa.

Nếu Chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ẩn thuận chiều của một kẻ xấu đeo mặt nạ nên luôn giấu thật kỹ dã tâm thì ông Trần Nghĩa lại không. Con người ông Nghĩa có cả tốt lẫn xấu. Đấy là một nhân vật rất hào sảng, tự tin song đôi khi tự tin quá sẽ dẫn đến khuyết điểm. Nhưng theo NSND Hoàng Dũng, thế thì phim mới là đời.

Trong khi đó, nhiều diễn viên như Việt Anh, Thúy Hà, Thanh Hương… đặc biệt là NSND Trọng Trinh thì kêu trời về lời thoại. Nhiều người học thuộc buổi tối nhưng sáng mai lại như chưa từng đọc, cũng vì… toàn là ngôn ngữ chính sự.

Đã thế, diễn viên phải nói chính xác từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy trong nội tâm nhân vật một cách… hấp dẫn, dễ hiểu.

Không có chuyện phiên phiến, nhất là đối với một đạo diễn nổi tiếng khắt khe như NSND Khải Hưng. Và chuyện phải quay 50 hay 70 đúp mới xong một vài câu thoại giữa ngày nắng lên đến đỉnh điểm (50 độ ngoài trời) là chuyện bình thường đối với ê-kíp làm phim “Sinh tử”.

Còn riêng với câu chuyện kịch bản, nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ rằng, dù mất 10 năm để lên ý tưởng, viết và hoàn thiện “Sinh tử” nhưng đã có lúc ông định bỏ phim vì không muốn chỉnh sửa kịch bản theo ý Đỗ Thanh Hải - thêm tuyến nhân vật kiểm sát.

Thế mà, sau ba năm quyết tâm đeo đuổi dự án của đạo diễn NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền cũng như sự “say nghề” của các diễn viên, ê-kíp sáng tạo giữa phim trường trong suốt 4 tháng qua, giờ đây, “Sinh tử” sắp được ra mắt khán giả, đấy là niềm hạnh phúc của nhà văn nói riêng và của tất cả mọi người nói chung.

Bộ phim truyền hình “Sinh tử” (kịch bản: Phạm Ngọc Tiến, đạo diễn: NSND Khải Hưng, NSƯT Mai Hiền) với sự tham gia của NSND Hoàng Dũng, NSND Trọng Trinh, Thúy Hà, Việt Anh, Chí Nhân, Thanh Hương, Quỳnh Nga, Doãn Quốc Đam… sẽ được lên sóng VTV1 lúc 21 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, từ ngày 4/11.

Về thời lượng phát sóng 25 phút mỗi tập đã gây tranh cãi. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, thời lượng đó là hợp lý, phù hợp với thói quen của khán giả trong thời gian qua. Tuy nhiên, đạo diễn Khải Hưng gay gắt, 45 phút mới là phù hợp. 25 phút phát sóng cho một tập phim chỉ phù hợp với phim sitcom.

“Thời gian quá ngắn không đủ giải quyết các mâu thuẫn, xung đột của mỗi tập, việc chỉnh sửa kịch bản để san chi tiết cho phù hợp cũng khó khăn” – đạo diễn, NSND Khải Hưng bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.