NSND Hoàng Dũng: Sau ông Luật sẽ là... chủ tịch tỉnh

GD&TĐ - Khi bộ phim “Về nhà đi con” mới chiếu được chừng một nửa số tập, NSND Hoàng Dũng – ông Luật đã bận rộn với dự án bộ phim truyền hình mới, tạm gọi tên là “Sinh tử”.   

NSND Hoàng Dũng.	Ảnh: ITN.
NSND Hoàng Dũng. Ảnh: ITN.

Nhân NSND Hoàng Dũng tranh thủ từ Vĩnh Yên về Hà Nội, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện cùng ông. Niềm hứng khởi lớn

- “Bố Luật” xem ra càng nghỉ hưu lại càng bận rộn thì phải?

Nói thế hơi quá (cười). Trong hơn 2 năm nghỉ hưu, tôi “hòm hòm” được 2 dự án phim truyền hình: “Người phán xử”, “Về nhà đi con”. Tôi đang tham gia dự án bộ phim “Sinh tử” (tạm gọi) với vai chủ tịch tỉnh.

Với sân khấu, tôi tham gia dựng vở “Nguồn sáng trong đời” cho Nhà hát Kịch Việt Nam, chuốt lại vở “Vùng lạnh” cho Nhà hát Kịch Hà Nội để tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018. Vở kịch này đã “ẵm” Huy chương Vàng.

Ngoài ra, tôi vẫn tham gia công tác giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chủ nhiệm lớp diễn viên, dự kiến tốt nghiệp vào tháng 9 năm nay.

-  Giữa lúc bận rộn ấy, “bố Luật” thấy sao khi “Về nhà đi con” trở thành bộ phim được khán giả yêu thích nhất hiện nay?

Khán giả yêu thích một bộ phim theo dòng phim gia đình đã được VFC tính trước và cũng đã nhìn thấy điều đó nên họ mới có kế hoạch sản xuất. Chỉ có điều, VFC cũng như các nghệ sĩ đều không ngờ sự đón nhận của khán giả với “Về nhà đi con” lại lớn như vậy.

Theo như tôi được biết, rating của “Về nhà đi con” rất cao, vượt nhiều phim khác, đến giờ chỉ còn thua “Người phán xử”.

Điều đó cho thấy, khán giả luôn mong chờ được thưởng thức những bộ phim truyền hình gần gũi chứ không phải quay lưng hay thờ ơ.

Thậm chí, mấy năm qua, những nghệ sĩ như chúng tôi hay các nhà sản xuất nhận thấy các phim truyền hình nước ngoài khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều không lại được với phim truyền hình Việt Nam.

Được khán giả đặc biệt yêu mến đấy là điều vô cùng đáng mừng, nó tạo động lực, niềm hứng khởi lớn với người làm nghệ thuật cũng như người sản xuất phim truyền hình. Bên cạnh đó, nó còn đặt ra những trách nhiệm, thách thức mới đối với các bộ phận làm phim.

Với diễn viên chúng tôi, thách thức lớn nhất là làm sao nghiên cứu nhân vật, làm sao hóa thân vào nhân vật một cách gần gũi nhất với đời sống hiện nay, để khán giả thấy nhân vật mình đóng ở đâu đó trong cuộc sống.

Và, mỗi nhân vật phải đưa ra một nét, làm sao phản ánh được một loại người, mẫu người trong xã hội, phản ánh càng chân thực chắc chắn sẽ càng được khán giả đón nhận, yêu quý.

Bước tiến mới của phim truyền hình Việt

- Nghệ sĩ có chia sẻ gì với vai “bố Luật” của mình trong “Về nhà đi con”?

Với tôi, một ông bố như ông Luật trong “Về nhà đi con” là một người tương đối thấu tình đạt lý. Ban đầu, khán giả thấy ông ấy cứ gặp con (Vũ) là quát tháo, thậm chí có cả chửi mắng.

Thế nhưng, càng ngày mọi người càng thấy ông Luật là người yêu con, mong muốn con thành công nhất. Giữa lúc Vũ rơi vào bi kịch, ông đã luôn bình tĩnh và lấy sự tôn trọng, niềm tin yêu để dạy con… không chê vào đâu được.

Thế nên, dần dần ông Luật nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Khán giả đặc biệt thích câu đối thoại ông Luật với cách nói rất thật, rất đơn giản và có cảm giác nhân vật ấy hiện hữu trong đời sống. Với riêng mình, khi được khán giả ủng hộ, tôi lại càng cố gắng làm tốt hơn.

- Theo nghệ sĩ, những yếu tố cơ bản nào đã giúp “Về nhà đi con” chiếm trọn tình cảm của khán giả Việt?

Tôi thấy, yếu tố đầu tiên phải nhắc tới của sự thành công này là các biên kịch dù tuổi đời rất trẻ nhưng viết kịch bản văn học rất chắc tay. Các bạn ấy đã khiến khán giả yêu quý nhân vật trong phim với các bước chuyển biến tâm lý tự nhiên, hợp lý và luôn tìm cái kết nhân văn cho mỗi nhân vật – trừ Nhã (cười).

Bên cạnh đó, bộ phim đã quy tụ được một dàn diễn viên rất ăn vai với sự phát triển về mặt diễn xuất đồng điệu, ngọt ngào. Ví dụ như vai Vũ – con trai tôi (cười), khán giả sẽ không bằng lòng với lối sống trăng hoa của anh ta – đấy là nhân vật trong phim còn chắc chắn rằng khán giả sẽ rất mê Quốc Trường với một diễn xuất ấn tượng, lột tả một cách thuyết phục tâm lý, tính cách nhân vật.

Và nhất là Quốc Trường cùng với Ngân Quỳnh (bà Giang) dù từ miền Nam ra tham gia phim Bắc nhưng đã thích ứng tốt, diễn chủ động. Từ sự hợp tác hiệu quả này, tôi tin rằng sau này phim truyền hình Bắc sẽ tiếp tục có những kết hợp hiệu quả hơn nữa với các nghệ sĩ miền Nam.

- Rất mong nghệ sĩ bật mí đôi chút về dự án phim mới của ông?

Từ giữa tháng 6 đến giờ, tôi tham gia dự án bộ phim truyền hình mới, tạm gọi là “Sinh tử”. “Sinh tử” là bộ phim theo dòng chính luận, chống tham nhũng.

Ở bộ phim này, tôi đảm nhiệm vai chủ tịch tỉnh có nhiều màu sắc khác so với các vai chủ tịch tỉnh đã đóng trước đó. Đó là ông chủ tịch tỉnh lớn lên từ quê hương. Từ khát khao quê hương phát triển, ông đã mạnh tay trong việc cải tạo.

Đấy là một nhân vật rất hào sảng, tự tin. Tuy nhiên, đôi khi sự tự tin hơi cao của ông ấy sẽ dẫn đến thiếu sót, khuyết điểm. Tôi thấy nhân vật này hay vì đa diện và phức tạp nhất phim. Bộ phim có bối cảnh được quay chính ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Theo như tôi được biết, dự kiến phim sẽ lên sóng truyền hình trong tháng 9 tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.