Cần một "cú hãm" hiệu quả

Cần một "cú hãm" hiệu quả

(GD&TĐ) - Thời điểm gần hết quý 1-2013 đã đến gần; tháng “ăn chơi” tháng Giêng  âm lịch cũng đã qua. Hiện thời, câu chuyện giá cả, những khó khăn và cách vượt thoát khó khăn của nền kinh tế ở tầm vĩ mô cũng như biến động thị trường từng ngày… luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành, của tất cả người dân.

Năm 2013, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nền kinh tế nước nhà vẫn gặp khó, tuy có thể xuất hiện một vài điểm sáng tích cực. Trước thực tế đó, hơn lúc nào hết cần đến những giải pháp, sự nỗ lực chung ngay từ những ngày đầu năm, những tháng đầu năm. Sự nỗ lực ấy phải được bảo đảm bền bỉ trong suốt cả năm.

Vì sao giá USD biến động?

Ngay sau Tết Nguyên  đán, thị trường đã có sự tung lắc mạnh, giá VND/USD tăng, có lúc neo lại ở mức gần 21.500VND/USD. Đây là động thái được coi là “trái quy luật” so với nhiều năm trước đó. Vì thông thường, trước Tết Nguyên đán tỷ giá ngoại tệ mới lên cao, sau Tết thì lắng xuống dần. Để ổn định tình hình, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngày 22-2, các ngân hàng thương mại đã tung đôla ra bán, kéo được từ mức 21.036 đồng về dưới 20.940 đồng/USD, tức là giảm được khoảng 96 đồng/USD.

Giao dịch ngoại tệ
Giao dịch ngoại tệ

Tất nhiên, tuân theo quy luật thị trường, giá vàng giao dịch tại các thời điểm trong ngày cũng lên xuống khác nhau chút ít. Ví dụ, với Ngân hàng ACB, giá niêm yết buổi sáng là 20.980 đồng/USD, tới buổi trưa là 20.920 đồng/USD. Sacombank, Vietcombank, Eximbank mức giá niêm yết cũng tương tự. Giải pháp này đã làm giá đồng USD giảm nhẹ. Điều đó cho thấy, khi ngân hàng “ra tay”- cũng có nghĩa là chịu thiệt, thì thị trường ngoại tệ sẽ được cân đối.

Tuần cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng trong hệ thống tăng cung bán ngoại tệ để hạ nhiệt tỷ giá. Trong vòng gần 2 năm qua, tỷ giá VND/USD và các ngoại tệ khác nhìn chung là ổn định, hay nói cách khác là “chấp nhận được”. Nhưng rồi, thời gian gần đây đã biến động, giá ngoại tệ trên thị trường theo đà tăng, đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, kể cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa. Vì vậy, một giải pháp rõ ràng từ phía ngân hàng nhằm ổn định tỷ giá là rất cần thiết.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao tỷ giá VND/ ngoại tệ lại biến động vào thời điểm này? Phải chăng do giá của VND đang rớt? Với lý do đó, các chuyên gia thống nhất cho rằng không hiện thực bởi chỉ số CPI tháng 1-2013 ở mức rất thấp, và tháng 2 chắc hẳn cũng thế cho dù là tháng Tết Nguyên đán, nếu so với cùng kỳ năm trước. Từ đó, người ta liên hệ đến lý do khác, đó là việc có thông tin cho rằng VN đang loay hoay chống lại áp lực phải phá giá đồng tiền, có nghĩa là làm giảm sức mạnh của đồng tiền VN nhằm tăng cường xuất khẩu. Không ít chuyên gia tài chính đã cho rằng, sự sôi động cũng như giá trị của một số đồng ngoại tệ lớn tăng lên so với VND là dựa trên áp lực phá giá tiền đồng đang hình thành, với việc Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới biên độ giao dịch tỷ giá lên 3%.

Cũng cần phải nói thêm, tin đồn Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bị bắt đã lập tức khiến cả thị trường tiền tệ lẫn thị trường chứng khoán rung lắc. Với chứng khoán, hàng loạt mã cổ phiếu rớt giá. Với tỷ giá, nhiều đồng ngoại tệ tăng vọt. Sau “sự kiện Trần Bắc Hà”, người ta càng thấy lộ ra những nguy cơ từ tin đồn, đặc biệt là những tin đồn liên quan đến giới lãnh đạo tài chính- ngân hàng. Sau một “sự kiện”, lại có người được kẻ mất với những bài học xưa cũ nhưng vẫn hết sức đắt giá.

Ngân hàng Nhà nước tác động gì?

Lý giải việc ngoại tệ tăng giá, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại cho rằng, sau Tết Nguyên đán năm nay nhiều doanh nghiệp có nhu cầu “mua vét” USD để thanh toán và nhập khẩu. Người dân cũng phải gom USD để trả nợ cho các khoản vay đầu tư gom hàng trước Tết. Tuy nhiên, cách lý giải này cũng không triệt để bởi thực tế cho thấy mức xuất siêu tháng 1-2013 của ta rất cao, gần bằng cả năm 2012, có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu không lớn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: “Ngân hàng Nhà nước không phá giá VND, mà tiếp tục theo dõi thị trường để sẵn sàng can thiệp n bếu có những biến động bất thường, nhằm giữ ổn định chung”
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: “Ngân hàng Nhà nước không phá giá VND, mà tiếp tục theo dõi thị trường để sẵn sàng can thiệp n bếu có những biến động bất thường, nhằm giữ ổn định chung”

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá hối đoái là một công cụ của chính sách tiền tệ, vì vậy việc điều hành tỷ giá là nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền. Bà Hồng cho rằng, việc điều hành tỷ giá cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ năm 2013. Cho dẫu thế thì dư luận vẫn còn những điểm ngờ khác. Không ít chuyên gia cho rằng,  chế độ tỷ giá của VN hiện có vấn đề, Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá nhưng thiếu cơ sở chắc chắn, đặc biệt là vấn đề thiếu thông tin kèm theo là vấn đề dự trữ, cán cân thanh toán quốc tế…, đều không đưa ra những con số rõ ràng và sát gần.

Chuyên gia kinh tế Phạm Hữu Chí : Nếu tỷ giá VND/USD và một số ngoại tệ khác không giữ được mà theo chiều hướng giảm giá VND thì rất có thể dòng tiền sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản, chứng khoán. Mặt khác, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng. Thị trường sẽ sôi nổi hơn nhưng người nắm giữ VND sẽ thiệt thòi hơn.

Ông Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế xã hội cho rằng, trước tình hình biến động tỷ giá, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng cung ngoại tệ (bán ra) đi đôi với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của từng tổ chức tín dụng… Còn Nhân hàng Nhà nước một lần nữa tái khẳng định sẵn sàng cung ngoại tệ, ổn định tỷ giá với trên dưới 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đủ lực để can thiệp nếu có biến động bất thường. Về tin đồn Ngân hàng Nhà nước sắp phá giá VND, Phó thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước không phá giá VND, mà tiếp tục theo dõi thị trường để sẵn sàng can thiệp nếu có những biến động bất thường, nhằm giữ ổn định chung”. Ông Hưng cũng cho biết, mọi giao dịch ngoại tệ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào hành vi của người mua - bán ngoại tệ trái phép, các cơ quan chức năng sẽ tịch thu số ngoại tệ hoặc xử phạt từ 50 đến 500 triệu đồng.

Khẳng định của ông Hưng là rất quan trọng, nhưng cạnh đó lãnh đạo ngành ngân hàng cũng cho biết, tỷ giá sẽ ổn định nhưng không cố định trong 2013. Nếu có biến động cũng chỉ tầm 2 - 3%. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp mơ hồ. Như vậy là chưa có gì chắc chắn bảo đảm sự ổn định tỷ giá đồng tiền VN, nên cũng chưa thể tạo được tâm lý đồng thuận với các chính sách kinh tế. Điều này được chứng minh một lần nữa thông qua việc trong lúc tỷ giá đang rung lắc thì thị trường chứng khoán xuất hiện việc các nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy, khiến cho chỉ số VN-index lẫn HNX-index tụt điểm, tâm lý bán ra là chủ yếu.

Để nền kinh tế phát triển trong ổn định, đủ sức vượt khó thì việc ổn định tỷ giá đồng tiền Việt Nam là rất quan trọng. Những hành động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước nhằm giành lại thế chủ động về tỷ giá là đáng ghi nhận, song thị trường đòi hỏi nhiều hơn thế. Bởi lẽ không chỉ trước mắt mà con đường phía trước còn rất dài, nếu không tạo dựng được niềm tin trong xã hội thì những rung lắc thị trường tiền tệ vẫn có thể xảy ra.

Ngọc Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ