Đau đầu vì virus Corona
Ngày 3/2, trong hội nghị “Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus Corona”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường thông tin cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã thúc đẩy Trung Quốc hạn chế giao dịch hàng hóa ở các biên giới để tránh tình trạng tập trung đông người, tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng. Điều này tác động rất lớn đến thương mại nông lâm thủy sản của nước ta với Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện nay quả thanh long và dưa hấu đang gặp khó. Đây là hai mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết.
Ông Nguyễn Quốc Toản (cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho biết, có một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho thành phố Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona.
Ông Toản cũng trích dẫn ví dụ doanh nghiệp Hồng Thái Dương phía Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu từ 30 -40% lượng thanh long của tỉnh Long An. Đến nay, doanh nghiệp này đã phải hủy một số đơn hàng khoảng 300 container, tương đương 6.000 tấn.
“Mặc dù công ty này cũng đã phải đền bù do hủy đơn hàng cho đối tác phía Việt Nam khoảng 50 triệu đồng/container, nhưng vẫn không đủ bù đắp được thiệt hại cho bà con nông dân do đơn hàng bị hủy” - ông Toản dẫn chứng.
Ngoài hoa quả, sản phẩm từ chăn nuôi và thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng tương tự. Dù đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc một số mặt hàng chăn nuôi từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.
Về phía thủy hải sản, dư địa tăng trưởng khá vào cuối năm 2019, nhưng trong quý I/2020, Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng.
Buộc phải mở cửa khẩu Hữu Nghị “cứu” nông sản
Ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận trong ngày 4/2 khi họp bàn giải pháp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản của tỉnh này cho biết: Các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc đã hạn chế tối đa giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới từ ngày 31/1 (mùng 7 tháng Giêng) đến ngày 8/2 (tức 15 tháng Giêng).
Ngày 3/2, cửa khẩu Hữu Nghị đã mở cửa nhưng chưa giải quyết được số hàng tồn do không có hợp đồng tiêu thụ, sức mua bên Trung Quốc giảm do các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ đóng cửa. Đồng thời, nếu có giao thương sang nước bạn thì cũng phải yêu cầu lái xe cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh nên các chủ hàng, lái xe chưa thống nhất việc này.
Theo thống kê của 2 tỉnh Long An, Tiền Giang – là hai tỉnh có nhiều mặt hàng trái cây xuất sang Trung Quốc nhiều nhất - hiện tổng sức chứa kho lạnh cho thanh long, sầu riêng chỉ khoảng 10.000 tấn. Tuy vậy, số trái cây tồn kho tại các vựa đã xấp xỉ con số này, trong khi đó, vụ thu hoạch vụ nghịch trái cây tại 2 tỉnh này chỉ mới bắt đầu trong vài này qua và do tính cấp bách đặc thù của trái cây đã chín nên không thể hoãn thời điểm thu hoạch.
Tính đến ngày 4/2, Bình Thuận có khoảng 150 xe container (khoảng 3.000 tấn) của doanh nghiệp tỉnh chở thanh long xuất sang Trung Quốc đang chờ thông quan. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ nay đến hết ngày 8/2 (Rằm tháng Giêng), tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn.
Đợt tiếp theo thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Nếu không có giải pháp sớm để thông quan, khả năng thiệt hại của người dân và xuất khẩu sang Trung Quốc là rất lớn.
Cấp bách tìm giải pháp
Tại hội nghị liên bộ này, các đại biểu đã đề xuất ý kiến cho rằng, giải pháp cấp bách tạm thời hiện nay là thu mua hoa quả, lưu trữ tại kho lạnh chờ thông quan. Kế đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ chính ngạch.
Cụ thể hơn, cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT và các cục chuyên ngành đã chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho nông dân.
Song song với đó, trong tình trạng bệnh dịch có thể kéo dài, cơ quan quản lý của cả hai bộ cũng cần thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cùng các đơn vị liên quan ở phía Trung Quốc bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Viêm phổi cấp và công bố mở cửa lại bình thường.
Các đại biểu cũng cho rằng đây cũng là lúc để người nông dân nhìn lại, nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, Global GAP… để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: “Chính phủ chưa hề cấm biên mà chỉ hạn chế. Tình trạng ùn ứ do phía bạn có thay đổi. Hiện nay các xe thanh long vẫn xuất khẩu bình thường nhưng bị kiểm soát chặt”.