Cần làm sáng tỏ

GD&TĐ - Rất khó để lý giải mỗi khi EVN tăng giá điện với lý do là lỗ nặng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một trong những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm trong những ngày qua là ý kiến của các đại biểu Quốc hội chung quanh việc cần làm sáng tỏ những góc khuất của ngành điện lâu nay.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) còn đề nghị Chính phủ cần có cuộc thanh tra đặc biệt những hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên thì báo lãi” - ông Vân kiến nghị.

Ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 -1/6/2023.

Không phải đến hôm nay, EVN mới được thanh tra mà từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt vi phạm của EVN, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng như đầu tư ngoài ngành trái với tôn chỉ, mục đích hoạt động vượt vốn điều lệ tới 45.000 tỉ đồng, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không đúng quy định hơn 1.900 tỉ đồng... nhưng xử lý chiếu lệ.

Đó cũng là một trong những lý do khiến cho những tồn tại của EVN cứ âm ỉ lâu nay để mỗi mùa khô hạn đến, tình trạng thiếu điện xuất hiện thì “bệnh cũ” lại tái phát. Dư luận rất bức xúc, nhất là trong những ngày nóng bức vừa qua, điện dùng cho sinh hoạt lẫn sản xuất liên tục bị “ngắt quãng” với đủ các lý do mà ngành điện đưa ra.

Rất khó để lý giải mỗi khi EVN tăng giá điện với lý do là lỗ nặng. Vì rằng, báo cáo tài chính của 5 đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là Công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Miền Trung, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực TPHCM thì báo lãi.

Các đơn vị thành viên đều có lãi, thậm chí lãi lớn, dư tiền để gửi ngân hàng, công ty gửi ít nhất là 4.000 tỉ, nhiều nhất là 10.000 tỉ; các doanh nghiệp bán điện cho EVN cũng đều có lãi nhưng tại sao EVN lại liên tục báo lỗ với số tiền lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng để rồi liên tục tăng giá điện hết lần này đến lần khác?

Vừa mới tăng giá điện hôm đầu tháng 5/2023, người dân và doanh nghiệp chưa kịp làm quen thì EVN đã kiến nghị Chính phủ cho phép họ tiếp tục tăng giá điện trong tháng 9 tới!

Sản phẩm làm ra, chỉ mỗi mình mình là người bán hàng, không cạnh tranh với ai mà liên tục kêu la gặp khó và thua lỗ thì kể cũng lạ. Lạ hơn nữa là mỗi lần EVN kêu lỗ thì cả nước xúm vô “gánh lỗ” trong sự ta thán không ngớt của người dân và doanh nghiệp nhưng chẳng thấy cơ quan quản lý Nhà nước nào lý giải một cách rõ ràng và thuyết phục về “chuyện lạ” này của EVN.

Cần phải được công khai, minh bạch những góc khuất, nếu có, của EVN để người dân cùng chia sẻ với họ một cách thoải mái nhất nếu chuyện liên tục lỗ kia là chính đáng.

Chính phủ vừa giao cho Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh tra để tìm nguyên nhân căn bệnh khó chữa lâu nay của EVN, hy vọng là đoàn thanh tra sẽ chỉ ra cho người dân biết căn bệnh khó chữa lâu nay của EVN dù ai cũng biết, Bộ Công Thương được xem là “người nhà” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.