Ngày 11/12, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường năm 2014 tại TP Đà Nẵng.
Nhiều mô hình nổi bật trong công tác giáo dục pháp luật
Theo ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, công tác dạy học môn Chính trị, Pháp luật, GDCD, Đạo đức ở các cơ sở giáo dục, trường học ở địa bàn Đà Nẵng theo hướng cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn bó với cuộc sống và học tập của HS, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định.
Tổ chức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp bằng nhiều hình thức như kể chuyện pháp luật, sân khấu hóa, xem tư liệu… nhằm gây hứng thú cho HS. Khuyến khích GV tăng cường ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học bộ môn; đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường ra đề theo hướng mở để HS liên hệ, phân tích, bình luận, thể hiện quan điểm và định hướng hành vi của mình, đánh giá tinh thần tự giác, trung thực của HS trong tham gia các hoạt động học tập, thái độ đối với mọi người, sự tiến bộ đạt được của HS trong ý thức công dân, trong hành vi tuân thủ kỷ luật, chấp hành pháp luật.
Đà Nẵng cũng thực hiện tốt hoạt động phối hợp giữa các Sở, ban ngành thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị rèn luyện cho HS kỹ năng sống, giáo dục cho HS biết rèn luyện thân thể, tự bảo vệ sức khỏe, biết sống khỏe mạnh, an toàn nhằm tránh được những bất trắc, nguy hiểm đe dọa HS.
Các đơn vị, trường học ở Đà Nẵng đều có Tổ tư vấn tâm lý - giáo dục nhằm giúp HS vượt qua những trở ngại về tâm lý, tinh thần để các em tự tin, yên tâm trong học tập và rèn luyện đồng thời kịp thời phát hiện, điều chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong trường học.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức cho HS tất cả các trường từ Tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố tham quan chương trình triển lãm về quần đảo Hoàng Sa. Chuyến tham quan đã giúp các em HS có cơ hội được tiếp cận những bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như phản biện lại những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Đây là một hoạt động bổ ích và có ý nghĩa to lớn, góp phần giáo dục ý thức của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Phải chú trọng cả đối tượng là giáo viên
Ngoài làm việc với Hội đồng phối hợp phổ biển, giáo dục pháp luật của UBND thành phố Đà Nẵng, đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại trường THPT Phan Châu Trinh và trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch.
TS Lê Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch cho biết: Nhà trường sắp triển khai việc xây dựng phòng thực hành cho ngành học mới là Dịch vụ Pháp lý. Ngoài ra, trường đã làm việc với Tòa án quận Liên Chiểu - địa bàn nơi trường đặt cơ sở - để ít nhất SV có thể trực tiếp dự một phiên xử thực tế tại tòa.
Tuy nhiên, việc giảng dạy môn pháp luật tại trường vẫn còn một số khó khăn như nhận thức về vai trò của môn học ở một bộ phận HSSV chưa cao, nhiều em coi đây là môn phụ nên không dành thời gian đầu tư cho môn học…; về phía giảng viên thì còn thiếu kiến thức về các tình huống thực tế dẫn đến thiếu sự hấp dẫn khi giảng bài.
Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, các đơn vị giáo dục này đã có sự quan tâm đến công tác phổ biến pháp luật, có kế hoạch cụ thể cho từng năm học; đội ngũ GV được đào tạo bài bản, có sự đầu tư CSVC cũng như các trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền.
Tuy nhiên, Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch cũng như trường THPT Phan Châu Trinh cần làm phong phú hơn các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật như tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các hội thi tìm hiểu, thi tiểu phẩm, văn nghệ... Như việc phổ biến pháp luật của Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch, ngoài nội dung giảng dạy ở môn Pháp luật, hầu như chỉ tập trung ở tuần sinh hoạt chính trị đầu năm với số lượng SV rất đông nên chắc chắn hiệu quả sẽ không cao như mong đợi.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng lưu ý với BGH trường THPT Phan Châu Trinh: Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường không chỉ hướng đến HS mà còn hướng tới cả GV.
Đoàn công tác liên ngành cũng đánh giá cao những mô hình nổi bật trong công tác giáo dục pháp luật mà Đà Nẵng triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Cụ thể như mô hình Hành trình yêu thương, Hành trang tuổi hồng nhằm giáo dục Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Mô hình tích hợp biến đổi khí hậu thông qua các môn học nhằm giáo dục Luật Bảo vệ môi trường; Mô hình giáo dục lịch sử địa phương, trong đó, giáo dục về chủ quyền Hoàng Sa nhằm giáo dục Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia với hai tài liệu Lịch sử Đà Nẵng cấp THCS và THPT; Mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật nhằm thực hiện Luật Người khuyết tật; Mô hình giáo dục trật tự an toàn giao thông nhằm thực hiện Luật giáo thông đường bộ, thông qua việc ký cam kết không đi xe máy đến trường, mô hình Cổng trường bình yên…