Cần làm gì giúp trẻ thoát khỏi ám ảnh “Tôi rất béo”; “Tôi xấu”...?

GD&TĐ - Trẻ em đang ngày càng chú trọng tới ngoại hình. Tuy nhiên, để con không áp lực khi đứng trước gương mỗi ngày, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ chú trọng vận động, ăn uống lành mạnh và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử.

Trẻ không nên chỉ chú trọng tới ngoại hình. Ảnh minh họa.
Trẻ không nên chỉ chú trọng tới ngoại hình. Ảnh minh họa.

“Tôi rất béo”; “Tôi xấu”... Những cụm từ như vậy có thể sẽ gây sự buồn bực khi được thốt ra ở những thiếu niên. Tuy nhiên, sẽ thực sự là điều đáng lo ngại khi chúng được nói bởi những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, trẻ em có thể bắt đầu lo lắng về trọng lượng cơ thể và ngoại hình từ khi 3 - 5 tuổi. Và, không ít trẻ nhỏ bày tỏ sự không hài lòng về cơ thể của mình.

Nghiên cứu các vấn đề về hình ảnh cơ thể

Nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2016 bởi Hiệp hội Chuyên nghiệp về Chăm sóc Trẻ em và Tuổi Mầm non (PACEY). Đây là một tổ chức từ thiện cung cấp hỗ trợ cho những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em trên khắp nước Anh và xứ Wales.

Nghiên cứu cho thấy, không hiếm trẻ nhỏ bày tỏ sự không hài lòng về ngoại hình bản thân.

Theo thống kê, có 24% chuyên gia báo cáo rằng, trẻ em từ 3 - 5 tuổi bày tỏ sự không hài lòng về ngoại hình hoặc cơ thể của bản thân. Đáng kinh ngạc hơn, có 47% trẻ em từ 6 - 10 tuổi lo lắng về hình ảnh cơ thể của mình. Trước những con số này, không ít chuyên gia nhận định, trẻ em đang trở nên quan tâm đến cơ thể hơn bao giờ hết, dù còn nhỏ.

Các cụm từ như “Cậu ta béo” ngày càng phổ biến ở trẻ em. 37% nhân viên chăm sóc cho biết từng nghe những đứa trẻ nói những điều như vậy. Và, có tới 31% người đã nghe một đứa trẻ gọi mình là béo.

Trong khi đó, khoảng 10% nhân viên chăm sóc cho biết đã nghe một đứa trẻ nói rằng, chúng cảm thấy bản thân xấu xí. Và 16% nhân viên nói đã nghe những đứa trẻ chia sẻ, chúng ước gì mình xinh đẹp hoặc ưa nhìn như người khác. Gần 1/5 (19%) chuyên gia chăm sóc cho biết đã thấy trẻ em từ chối thức ăn vì sợ rằng thực phẩm đó sẽ khiến chúng béo.

Một báo cáo năm 2015 được thực hiện bởi Common Sense Media cho thấy, ý thức hình ảnh về cơ thể bắt đầu phát triển khi con người còn rất nhỏ. Và, những hình ảnh này tập trung vào việc một người nào đó trông ra sao.

Common Sense Media là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để giáo dục và trao quyền cho phụ huynh, giáo viên, các nhà hoạch định chính sách về những cách giúp trẻ em phát triển khi sử dụng phương tiện và công nghệ.

Báo cáo đã kiểm tra các nghiên cứu hiện có về cách trẻ em và thanh thiếu niên cảm nhận về cơ thể của mình. Kết quả chỉ ra rằng, các vấn đề xung quanh hình ảnh cơ thể bắt đầu từ rất lâu trước khi trẻ dậy thì. Trẻ em 5 tuổi bắt đầu bộc lộ sự chán ghét cơ thể của mình và nói rằng chúng muốn gầy đi.

Những phát hiện đáng ngạc nhiên từ báo cáo Common Sense Media bao gồm: Hơn 1/2 số trẻ em gái và 1/3 số trẻ em trai ở độ tuổi từ 6 - 8 nói rằng, cân nặng lý tưởng của họ phải ít hơn. Trong khi đó, ở 7 tuổi, cứ 4 trẻ sẽ có một người thử áp dụng một số phương pháp ăn kiêng.

Có 41% thanh thiếu niên nữ nói rằng, họ sử dụng mạng xã hội để “khiến mình trông ngầu hơn”. Đáng ngạc nhiên, khoảng 87% nhân vật nữ trên tivi ở độ tuổi từ 10 - 17 đều có cân nặng dưới mức trung bình.

Lời khuyên cho cha mẹ

Trẻ em tìm hiểu về hình ảnh cơ thể và phát triển sự lo lắng về ngoại hình của mình từ nhiều nguồn khác nhau. Cha mẹ, người xung quanh, bạn đồng trang lứa và các phương tiện truyền thông là những tác nhân ảnh hưởng tới trẻ. Cha mẹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích cảm giác về hình ảnh cơ thể tốt ở trẻ.

Cha mẹ được khuyến cáo không nói những câu như: “Mình nhìn thật béo” hoặc “Tôi không thể ăn cái này vì nó sẽ khiến tôi béo hơn”. Khi đó, trẻ đang lắng nghe và học hỏi từ cha mẹ. Nghiên cứu của Common Sense Media cho thấy, những đứa trẻ từ 5 - 8 tuổi nghĩ rằng, nếu mẹ không hài lòng về cơ thể bản thân, khả năng cao là cũng sẽ không hài lòng với cơ thể của con.

Điều quan trọng là cha mẹ cần cố gắng không tập trung vào ngoại hình. Phụ huynh không nên nói về ngoại hình và cơ thể. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều quan trọng hơn về một con người, như mức độ tử tế hoặc việc làm từ thiện của họ. Hoặc, người đó có cách cư xử tốt hay làm việc chăm chỉ không?

Cha mẹ cần nhấn mạnh với trẻ, tập thể dục và ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng hơn cân nặng. Trẻ nên dành thời gian cho gia đình và có những hoạt động như chơi ngoài trời, đạp xe và đi dạo ở công viên. Khi đi mua hàng tạp hóa, phụ huynh có thể để trẻ giúp chọn trái cây và rau quả lành mạnh, cũng như cùng đọc nhãn dinh dưỡng. Đây cũng là một cách để dạy trẻ về thói quen ăn uống lành mạnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy xem những nhân vật đồ chơi của con trai. Liệu những món đồ đó có cơ bắp không thực tế? Hay, những búp bê trong phòng của con gái có tỷ lệ hợp lý không? Hãy cố gắng chỉnh sửa những món đồ chơi này hoặc ít nhất là cân bằng chúng với hình ảnh cơ thể người thật hơn. Tốt hơn nữa, cha mẹ hãy chú trọng tới các trò chơi xây dựng trí não, câu đố và những cuốn sách hay cho trẻ.

Yếu tố quan trọng khác là, cha mẹ cần giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ. Bởi, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị có thể giảm nguy cơ béo phì ở trẻ em và thậm chí cải thiện điểm số. Ngoài ra, cha mẹ có thể để trẻ xem quảng cáo đồ ăn vặt để hiểu đó là sản phẩm gì. Sau đó, hãy nói về lý do tại sao những thực phẩm này có hại cho sức khỏe.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ