Cần học tập Lý Sơn

GD&TĐ - Hòn đảo tiền tiêu ấy của Tổ quốc vừa có bước đi đột phá, đáng để các đảo có dân đang ở, sau đó là nhiều vùng dân cư ven biển khác học tập làm theo.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là cải táng mồ mả theo hình thức hỏa táng rồi đưa tro cốt vào chùa.

Chắc nhiều người còn nhớ, dòng họ Đặng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từng cất giữ Tờ lệnh của vua Minh Mạng điều binh phu ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền lãnh hải từ năm 1835, nay một lần nữa, họ lại lĩnh ấn tiên phong cho công việc hết sức có ý nghĩa này.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền đảo Lý Sơn từ nhiều năm nay, là chôn cất và cải táng mồ mả theo phương thức mới, họ Đặng đã tiến hành cải táng 15 ngôi mộ của dòng họ, được chôn cất từ 40 năm đến 200 năm nay. Theo đó, con cháu họ Đặng tiến hành các nghi lễ tôn giáo, rồi khai quật lấy hài cốt xong đem hỏa táng. Toàn bộ số hài cốt này được con cháu họ Đặng đưa vào chùa Hải Lâm trên đảo để thờ phụng.

15 ngôi mộ nói trên từ lâu được dòng họ chôn trên đất sản xuất nên rất ảnh hưởng đến quy hoạch chung của đảo. Trước đây, mộ của các dòng họ nếu có cải táng thì cũng “gom” lại rồi đưa vào các nghĩa trang, sau đó, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi họ mà ngôi mộ của người thân, ông bà sẽ được xây to hay nhỏ. Cách làm này chỉ “thuận” cho việc hương khói mỗi năm đến ngày giỗ Tết chứ vẫn chiếm đất như những mộ mới.

Còn cải táng theo cách của dòng họ Đặng mới đây thì mỗi thân nhân của họ chỉ có một hũ sành be bé và được đặt ở chùa. Cải táng hài cốt của ông bà như vậy vừa tiết kiệm được đất, không tốn kém xây dựng mồ mả lại rất ấm cúng khi các sư ở chùa ngày đêm hương khói. Cả ba tiêu chí: Tâm linh, vệ sinh và hợp với quy hoạch đều đạt khi chôn cất theo cách này.

Chiều dài của đảo Lý Sơn khoảng 7km, chỗ rộng nhất chỉ vài km nhưng đã chứa trong lòng nó đến hơn hai vạn dân, lại phải chừa ra 300 hecta đất để trồng tỏi, hành và các loại nông sản khác. Đã thế, do tập quán canh tác cây tỏi, cứ vào vụ, nông dân xuống bờ biển để lấy cát, tạo thành các “hàm ếch” nên khi có triều cường hoặc gió bão, các “hàm ếch” này sập xuống. Hàng chục hecta đất canh tác đã mất đi do việc lấy cát kiểu này.

Chính vì lý do này mà chính quyền đảo Lý Sơn rất trăn trở khi diện tích đảo cứ thu hẹp dần, phần do thủy triều, phần do chôn cất theo lối cũ. Cái khó hiện nay là đảo chưa có nhà hỏa táng hiện đại nên vẫn còn làm thủ công. Mà làm theo cách này chỉ hợp với việc cải táng chứ không hợp với người mới chết.

Cả đảo hiện có 6.000 ngôi mộ nằm rải rác ở các khu đất sản xuất và xen lẫn với khu dân cư. Trong lúc chờ đợi một nhà hỏa táng hiện đại, chính quyền đang vận động người dân là từ nay đến năm 2030 sẽ cải táng 4.000 mộ như cách làm của dòng họ Đặng mới đây.

Cùng với các dòng họ khác, họ Đặng trên đảo Lý Sơn từng giong buồm ra Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước để khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia. Nay họ Đặng lại tiếp tục đi tiên phong theo phong tục mai táng mới. Cách làm này rất đáng được hoan nghênh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ