Quan ngại cho Lý Sơn

GD&TĐ - Từ ngày 1/1, giáo viên ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không được hưởng chế độ, chính sách dành cho người lao động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thông tin này khiến nhiều giáo viên thấp thỏm, “đứng ngồi không yên”. 

Không chỉ đội ngũ nhà giáo ở đảo Lý Sơn, mà nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giáo viên ở đây không được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp với thực tiễn. Vô hình trung có thể sẽ dẫn đến những bất cập và hệ lụy khôn lường. Thực tế cho thấy, thu nhập của những giáo viên “cắm đảo” chủ yếu dựa vào tiền lương và các khoản phụ cấp, chế độ ưu đãi của Nhà nước. Nay cắt các chế độ, chính sách ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn rất khó để họ bảo đảm cuộc sống của mình. Điều này sẽ làm giảm động lực, tâm huyết của các nhà giáo trong quá trình dạy học.

Mặt khác, khi không còn phụ cấp, dễ dẫn đến tình trạng giáo viên có tư tưởng “chạy” vào đất liền, vì dù sao các điều kiện sinh hoạt cũng thuận lợi hơn nhiều so với ở đảo. Thu nhập thấp, sẽ không tránh khỏi việc có giáo viên “chân ngoài” dài hơn “chân trong”. Điều này  ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy – học. Suy cho cùng học sinh là người bị ảnh hưởng và chịu thiệt thòi.

Vẫn biết, khi các văn bản hay các quy định của Nhà nước có hiệu lực, đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh sẽ phải thực thi. Nhưng dù là văn bản nào cũng được xây dựng từ thực tiễn và xuất phát từ thực tiễn khách quan để điều chỉnh sao cho  phù hợp. Mục đích cuối cùng là để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân.

Thực tế cho thấy, ở nơi được mệnh danh là “vương quốc tỏi”, điều kiện tự nhiên vẫn còn khắc nghiệt, việc ra vào đất liền không thuận tiện, thậm chí bị cô lập nếu gặp thời tiết xấu hoặc  mùa biển động. Trong khi đó, nhiều giáo viên từ đất liền, tình nguyện ra đảo để làm nhiệm vụ gieo chữ “nơi đầu sóng ngọn gió”. Thời gian qua, chúng ta vẫn trăn trở và luôn đau đáu với câu hỏi: Làm thế nào để giáo viên sống được bằng lương? Câu trả lời không dành riêng cho ngành Giáo dục, mà cần sự chung tay vào cuộc của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội. 

Còn nhớ, trên nhiều diễn đàn, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia từng thảo luận, đề xuất tăng chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo; nhất là với những người đang làm nhiệm vụ “trồng người” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. 

Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT cũng nêu rõ: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Năm 2019, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục và Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020. Theo quy định của Luật, Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh các yếu tố thực tiễn khách quan,  đây là những cơ sở pháp lý để các cấp có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá và xem xét: Có nên tiếp tục để giáo viên đảo Lý Sơn được hưởng các chế độ chính sách vùng hải đảo như họ đã từng hưởng trước đây hay không?!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ