An ninh bệnh viện: Còn nhiều nỗi lo!

GD&TĐ - Ngày 16/4, tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) đã xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ gây thương tích nghiêm trọng, bất tỉnh tại chỗ và bị khâu 7 mũi, đồng thời phải theo dõi chấn thương sọ não. 

An ninh bệnh viện: Còn nhiều nỗi lo!

Thêm một lần nữa, vụ việc này gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng hành hung bác sĩ và thái độ ứng xử của người bệnh và bác sĩ.

Không được đáp ứng theo yêu cầu… thì “đánh”

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, vào khoảng 12 giờ 30 ngày 16/4 vừa qua, bác sỹ trưởng kíp trực Lê Quang Dương - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sau khi khám cho bệnh nhi Cấn Ngọc Thanh, 2 tuổi đã giải thích tình trạng bệnh lý cho bố mẹ bệnh nhi. Bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán bị tiêu chảy do rotavirus, đây là bệnh hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bệnh viện. Vì thế, mặc dù người nhà có yêu cầu chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiếp tục cho con nhưng BS Dương vẫn quyết định “giữ” bệnh nhân lại điều trị tiếp tục.

Tuy nhiên, trong khi BS Lê Quang Dương đang xem hồ sơ bệnh án, bố bệnh nhi bất ngờ dùng chiếc cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ khiến bác sĩ bất tỉnh, máu chảy be bét trên áo blouse và bệnh án. Hiện BS Lê Quang Dương đã được chuyển lên khoa Ngoại, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.

BS Kiên cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, các bác sĩ trong bệnh viện đã cấp cứu tại chỗ bác sĩ bị hành hung, đồng thời lực lượng bảo vệ tạm giữ bố bệnh nhi và báo cáo cơ quan chức năng, báo cáo Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế. Trong khi đó, người nhà còn dùng nhiều lời lẽ hăm dọa, thậm chí là dọa giết nhân viên y tế. Sự việc chỉ dừng lại khi Giám đốc bệnh viện, cùng lực lượng công an có mặt và áp tải người hành hung về trụ sở cơ quan công an. BS Kiên cho biết, BS Lê Quang Dương không phải người địa phương, mà đến theo diện điều động nhân lực chất lượng cao cho bệnh viện. Đây là bác sĩ giỏi và hết lòng vì bệnh nhân.

Trước đó, tại Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), một bác sĩ đang trong ca trực đêm cũng bất ngờ bị nam bệnh nhân nhảy khỏi cáng, lao tới hành hung. Theo tường trình của ca trực, sau khi xe cấp cứu trở bệnh nhân Đỗ Văn Bình (31 tuổi, ở xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng) tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), do nghi ngờ bệnh nhân bị sỏi thận, bác sĩ trực đã chỉ định cho Bình đi xét nghiệm, chụp chiếu.

Tuy nhiên, sau khi đi nộp tiền viện phí về cho bệnh nhân, người bố đã chỉ tay vào mặt bác sĩ trực quát tháo và bị nhắc nhở. Thấy có người to tiếng với bố, bệnh nhân này đã lao từ trên cáng cấp cứu xuống đánh bác sĩ trực. Bố bệnh nhân cho rằng bác sĩ chậm trễ, bỏ mặc con ông hơn 30 phút mới được thăm khám và phải làm quá nhiều xét nghiệm...

Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện…

Tình trạng bạo lực ảnh hưởng tới tâm lý của bác sĩ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, các vụ xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, tống tiền… nhằm trục lợi.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định, theo đánh giá của lực lượng Công an, an ninh bệnh viện đang trở thành vấn đề cần quan tâm, theo dõi. Phổ biến nhất là tình trạng hành hung bác sĩ, nhân viên y tế vẫn gặp khá nhiều. Đại tá Tám dẫn chứng về tình trạng mất an ninh, an toàn bệnh viện đã được báo động khi hàng loạt vụ việc gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận đã xảy ra trong thời gian qua như: Vụ người nhà một bệnh nhân kéo nhau vào đánh đuổi bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có một điều dưỡng đang mang thai tháng thứ 7 bị đánh ngất tại chỗ.

Còn nhân viên y tế sẽ bị ảnh hưởng đến cả về sức khỏe thể chất, tinh thần. Một bác sĩ trực ở Bệnh viện Bạch Mai – người đã từng là nạn nhân của “bạo hành bác sĩ” - chia sẻ: Là bác sĩ, bản thân họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng người bệnh nhất là khi người bệnh vào viện đã được cấp cứu theo đúng quy trình chuyên môn, được nhập viện, phân loại, theo dõi và được dùng thuốc ban đầu… nhưng người nhà bệnh nhân đã có thái độ tỏ ra bất hợp tác, không khai họ tên, địa chỉ và có những lời lẽ lăng mạ cán bộ y tế, thậm chí dùng vật nặng, ghế xông vào quây đuổi, đánh vào đầu nhân viên y tế. “Không những thế, hành động côn đồ này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người thầy thuốc trong lúc cứu chữa cho người bệnh” - vị bác sĩ này cho hay.

Phân tích nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh, trật tự an toàn trong bệnh viện gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, có lỗi từ cả phía nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân. Tuy vậy, cơ sở pháp luật hiện hành vẫn còn chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế trước những sự việc bị người khác hành hung. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo nhiều bệnh viện trong công tác này còn mờ nhạt, các biện pháp đảm bảo an ninh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác này, ngoài trách nhiệm, nhiệm vụ chính thuộc về lãnh đạo các bệnh viện thì cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, chính quyền địa phương nơi có bệnh viện đóng trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.