Cần có chính sách phù hợp trong đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật

GD&TĐ -  PGS.TS Đinh Công Tuấn nhấn mạnh, cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật.

PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu.
PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu.

Ngày 17/12, trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022, PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tham luận phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật.

Theo PGS.TS. Đinh Công Tuấn, những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật và đạt được những kết quả nhất định.

Về nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật, tính đến 30/6/2021 tổng số nhân lực ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong cả nước là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 19.751 người; lĩnh vực thể dục thể thao: 10.199 người; lĩnh vực du lịch: 870.000 người, trong đó 18.907 người phục vụ ở cả 3 lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. Tính riêng đội ngũ cán bộ công chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 880 người, độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 41 - 50 (35,68%).

Về đội ngũ nghệ sĩ hoạt động trong các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh với số lượng đông đảo. Riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 12 nhà hát, ngoài ra còn có các nhà hát, đoàn nghệ thuật trực thuộc các Bộ, Ngành, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, các công ty trách nhiệm hữu hạn, các sân khấu hoạt động theo mô hình xã hội hóa.

Theo số liệu thống kê đến nửa đầu năm 2021, tổng số chỉ tiêu được giao cho 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm viên chức, người lao động là 1.049 người. Thực tế tổng số cán bộ, viên chức và người đang lao động tại 12 đơn vị nghệ thuật là 1.316 người... Một con số đáng để chúng ta suy nghĩ, cho thấy phần nào sự thiếu hụt về đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022.

Về đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, PGS.TS. Đinh Công Tuấn cho biết, hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cụ thể, có 15 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gọi tắt là các trường Trung ương) gồm: 10 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp đào tạo ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học và 1 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ.

Bên cạnh đó, cả nước có 25 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật do các tỉnh/thành trực tiếp quản lý, trong đó có: 1 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp…

Hiện nay, hệ thống ngành, nghề đào tạo rất đa dạng, đặc biệt lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có rất nhiều ngành đào tạo, gồm: trình độ đại học 50 ngành, trình độ thạc sĩ 20 ngành và trình độ tiến sĩ 16 ngành. Ngoài ra, những năm gần đây xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật của tư nhân như các công ty đào tạo diễn viên, ca sĩ… ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy vậy, nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết: về chuyên môn, một số bộ phận nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS. Đinh Công Tuấn kiến nghị 4 giải pháp phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật...

PGS. TS. Đinh Công Tuấn cũng đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần triển khai những chương trình đào tạo tiên tiến với sự đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho các trường đại học văn hóa nghệ thuật…

Tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, học viên và trao đổi các nguồn lực giữa các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật trong nước, giữa các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật trong nước với nước ngoài; nâng cao chất lượng và tăng về số lượng các hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ