Cần cơ chế đặc thù tuyển sinh ngành truyền thống

GD&TĐ - Trong khi các cơ sở GD đại học tổ chức khai giảng năm học mới và ổn định việc dạy - học, thì còn nhiều trường tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Chật vật tuyển sinh

Hiện, một số ngành của Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. ThS Dương Văn Bá - Phó Trưởng phòng (Phụ trách) Phòng Đào tạo đại học và sau đại học cho biết, nhà trường thông báo tuyển sinh bổ sung từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng chưa được cải thiện nhiều. Có ngành còn chưa đến 10 sinh viên nhập học.

“Chúng tôi tiếp tục tuyển bổ sung cho đến tháng 12”, ThS Dương Văn Bá thông tin và cho biết, với những ngành mà nhiều năm liên tục khó tuyển hoặc không tuyển được số lượng theo kế hoạch, nhà trường tính đến phương án “đóng cửa”. Trước mắt, với ngành có ít thí sinh, nhà trường vận động chuyển đổi sang ngành khác và bảo đảm quyền lợi cho các em.

Đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực đặc thù, phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, Trường ĐH Nông - Lâm Bắc Giang cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. GS.TS Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã thông báo xét tuyển bổ sung đại học chính quy năm 2024. Theo kế hoạch, sau ngày 30/9, Hội đồng tuyển sinh họp để quyết định có tiếp tục xét tuyển bổ sung hay không.

Tương tự, Trường ĐH Tiền Giang cũng chật vật tuyển sinh để lấp đầy chỉ tiêu một số ngành truyền thống thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Thông tin từ Hiệu trưởng, PGS.TS Võ Ngọc Hà, nhà trường tuyển sinh bổ sung đến hết tháng 10, với hơn 500 sinh viên. Sau thời gian này, nếu không đủ chỉ tiêu cũng dừng, khép lại đợt tuyển sinh năm 2024 để tập trung cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo PGS.TS Võ Ngọc Hà, dù cơ hội việc làm tốt nhưng nhiều năm nay một số ngành khó tuyển sinh gồm: Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường và lĩnh vực nông nghiệp, một số ngành thuộc lĩnh vực cơ khí. Nhà trường đã làm mọi cách, kể cả tung chính sách ưu đãi, học bổng dành cho sinh viên nhưng kết quả tuyển sinh vẫn gặp khó khăn.

“Với những ngành này, không đơn thuần tuyển sinh, đào tạo, mà còn là nhiệm vụ chính trị, cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội nên không thể xóa bỏ. Vì thế, chúng tôi mong Nhà nước có chính sách “kích cầu” để các ngành truyền thống, khoa học cơ bản có thể khởi sắc”, PGS.TS Võ Ngọc Hà bày tỏ.

co-che-dac-thu-cho-nganh-truyen-thong-2-5248.jpg
Trường ĐH Tiền Giang hướng dẫn tân sinh viên nhập học năm 2024. Ảnh: Website nhà trường

“Bắt mạch” nguyên nhân

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 28/8, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho đến tháng 12/2024. Các trường đại học sẽ xét tuyển các đợt tiếp theo; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, thời điểm này, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã bước vào năm học mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên một số trường vẫn “chật vật” và phải thông báo xét tuyển bổ sung thành nhiều đợt.

Thực tế cho thấy, một số trường chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu và không có lợi thế về địa điểm, lĩnh vực đặc thù. “Hầu hết ngành tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu là ngành hẹp, mới đào tạo thí điểm hoặc ngành truyền thống thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Ngoài ra, có một số ngành thị trường lao động chưa nhiều nên khó thu hút thí sinh” - TS Lê Viết Khuyến phân tích.

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một số ngành có kết quả tuyển sinh thấp phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, ngành của thí sinh. Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, cùng sự khác biệt trong quan niệm, nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, ngành của thí sinh dịch chuyển mạnh những năm gần đây.

Do đó, nếu các trường không điều chỉnh kịp thời và thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh... sẽ khó thu hút thí sinh. Còn một số trường nôn nóng mở ngành mới, “ăn xổi” khi chưa phân tích, dự báo tốt nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu của người học và không phù hợp chiến lược phát triển, đổi mới ngành, chương trình đào tạo của trường thì có thể dẫn đến thất bại trong tuyển sinh.

Từ thực tế, PGS.TS Võ Ngọc Hà kiến nghị, Bộ GD&ĐT đề xuất có cơ chế đặc thù cho ngành khó tuyển, nhất là ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản vì đó là ngành thiết yếu. Những ngành này chưa mang lại kết quả tức thì nhưng về lâu dài, đó là những ngành “trụ cột” cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho người học.

Hiện, nhiều ngành đào tạo truyền thống giữ vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người học nên ít nhiều tác động đến kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hải Phòng) đề xuất, cần có cơ chế “đặt hàng” và thêm chính sách hỗ trợ cho sinh viên học các ngành khoa học cơ bản. Nếu không có chính sách đặt hàng, người học phải trả học phí nhiều sẽ là rào cản để thu hút học sinh, sinh viên theo học lĩnh vực truyền thống, và kịch bản khó tuyển sinh sẽ được lặp lại trong năm sau.

Theo TS Lê Viết Khuyến, với những ngành khó tuyển hoặc không tuyển sinh được, cần nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động. Trường hợp cần thiết có thể đóng ngành, tránh để tồn tại lay lắt, dẫn đến những hệ lụy không đáng có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.