Cần cơ chế đặc thù “giải cứu” Tân Sơn Nhất

Ai cũng biết dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là cấp bách, mang tính giải cứu nên phải làm càng sớm càng tốt...

Năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách trong khi tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm - Ảnh: Phan Tư
Năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách trong khi tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm - Ảnh: Phan Tư

Một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của tư vấn ADPi, việc đầu tư các công trình cấp bách để “giải cứu” Tân Sơn Nhất triển khai chậm chạp. Theo các chuyên gia và cơ quan chức năng, nếu không có cơ chế đặc thù, rất khó đẩy nhanh được tiến độ và giảm nhiều ý nghĩa của dự án.

Dự án cấp bách, tiến độ “đủng đỉnh”

Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà quản lý khi nói về dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Quá lo ngại về khả năng “chịu đựng” của nhà ga, Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết: “Năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách. Dự kiến, con số này sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/ năm”.

Ông Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng Quản lý cảng hàng không, sân bay (Cục Hàng không VN) nói: “Ai cũng biết dự án nhà ga T3 là cấp bách, mang tính giải cứu nên không cần phải hỏi thêm bao giờ cần hoàn thành mà có thể nói ngay: Làm càng sớm, càng tốt”.

Khẳng định Tân Sơn Nhất làm xong ngày nào, tốt ngày đấy, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN Trịnh Như Long ấn định rõ: Tân Sơn Nhất cần hoàn thành tốt nhất trong năm 2020 mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. “Nhà ga T1 của Tân Sơn Nhất hiện đã rất quá tải, khai thác gấp rưỡi công suất. Việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 đã được khẳng định nhiều lần là rất cấp bách. Cứ để chậm như hiện nay có còn ý nghĩa giải cứu không, nhất là khi dự kiến năm 2025 có thể hoàn thành được CHK Long Thành?”, ông Long đặt câu hỏi.

Từ cuối tháng 9/2018, ngay sau khi quy hoạch chi tiết CHK quốc tế đông đúc nhất cả nước này được phê duyệt, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó ưu tiên triển khai đầu tư ngay nhà ga hành khách T3, sân đỗ và các công trình phụ trợ trên diện tích được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ách tắc với thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Đáng lưu ý, Bộ GTVT đã đề xuất giao ACV chủ trì thực hiện đầu tư nhà ga T3, sân đỗ máy bay.

“Vì nếu xã hội hóa đầu tư, sẽ phải tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP mất khoảng 1,5 - 2 năm và sẽ khó có thể hoàn thành dự án trước năm 2022”, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký khẳng định.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất với danh mục các dự án đầu tư phát triển nhóm A, B của ACV, trong đó bao gồm Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất - Giai đoạn thiết kế. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện ACV hiện đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, do đó cần phải có sự thống nhất của Ủy ban này với phương án đầu tư của ACV tại dự án.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dù ACV đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) cho Uỷ ban từ 28/12/2018 song đến hiện tại, cơ quan này vẫn chưa có ý kiến.

Lo lắng về tiến độ của dự án rất cấp bách này, mới đây nhất, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn bản nêu rõ: “Trong trường hợp Ủy ban quản lý vốn NHà nước thống nhất với phương án đầu tư của ACV, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ủy ban chỉ đạo ACV khẩn trương hoàn thiện Pre-FS để Bộ KH&ĐT có cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.

Keyword đầu tiên có dấu

Rất đông người dân đến chờ đón người nhà tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2019 - Ảnh: Phan Tư

Không có cơ chế đặc thù khó “đẩy” tiến độ 

Theo ông Đỗ Tất Bình, ACV đã hoàn thành Pre-FS nhà ga T3 trình Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN từ cuối tháng 12/2018. Nếu nhận được đồng thuận sẽ tiếp tục trình Thủ tướng. Trường hợp Thủ tướng đồng ý giao ACV làm chủ đầu tư sẽ thực hiện các bước tiếp theo.

“Nếu trong tháng 3/2019, các cơ quan chức năng duyệt xong Pr-FS, sẽ cần 3 tháng để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lập báo cáo khả thi (FS). Nhanh lắm khoảng tháng 6/2019 chọn được tư vấn, đến hết 2019 mới hoàn thành FS để các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Nhanh cũng phải quý I/2020 mới phê duyệt xong. Sau đó, sẽ cần thêm 3 tháng để tổ chức đấu thầu chọn tư vấn thiết kế nhà ga T3, 6 tháng thiết kế. Như vậy, phải hết 2020 mới thiết kế xong nhà ga T3. Thuận thì đến đầu năm 2021 mới khởi công dự án. ACV sẽ tập trung hết nguồn lực đầu thực hiện, những cũng phải hết năm 2023 mới có thể hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga T3”, ông Bình phân tích.

Cũng theo ông Bình, để rút ngắn thời gian triển khai 1 năm, ACV kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án như: Được chỉ định thầu tư vấn lập FS và lập phương án kiến trúc, tuyển chọn phương án kiến trúc. Ngoài ra, do khu vực công trình nằm trên đất quốc phòng nên ACV đề nghị cho phép tạm bàn giao mặt bằng vào quý I/2020 để thi công cùng với việc hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho biết, khó khăn nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ nhà ga T3 hiện là cơ chế chọn nhà đầu tư.

“Nhiều ý kiến cho rằng, ACV không phải là công ty Nhà nước nên không giao nhiệm vụ. ACV là công ty cổ phần nên phải đấu thầu. Họ nói như thế mà quên mất rằng ACV là nhà khai thác cảng hàng không sân bay duy nhất có năng lực đang khai thác tại Tân Sơn Nhất. ACV đã cổ phần hoá, nhưng mới chỉ 5%. 95% còn lại vẫn là của Nhà nước. Cái gì hiệu quả nhất thì làm sao cứ phân biệt Nhà nước với tư nhân”, vị này nói.

Cũng theo chuyên gia này, Luật Đấu thầu yêu cầu phải đấu thầu chọn nhà đầu tư, nhưng Luật Đấu thầu cũng nói trường hợp đặc biệt thì báo cáo Thủ tướng quyết định. Không ai coi là nhà đầu tư duy nhất nhưng trong trường hợp đặc biệt này của T3, giao ACV làm là quyết định đúng đắn nhất.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Bộ GTVT ủng hộ quan điểm giao ACV thực hiện đầu tư nhà ga T3. Trường hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đồng ý cho ACV đầu tư, trên cơ sở đề xuất của ACV cũng như năng lực của DN này, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng giao ACV”, Thứ trưởng thông tin.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.