Cần cơ chế bảo vệ trẻ em trong trường học

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với học sinh; học sinh với cán bộ, giáo viên; học sinh với học sinh ở một số trường khiến dư luận bất bình, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà trường, đến mối quan hệ thầy trò.  

Cần cơ chế bảo vệ trẻ em trong trường học

Lắng nghe ý kiến học sinh

Trước thềm năm học mới, để khắc phục tình trạng trên, rất cần có một cơ chế bảo vệ trẻ em ở trường học nhằm đảm bảo cam kết của các thành viên trong nhà trường cùng tham gia thực hiện.

Cơ chế này nên được xây dựng trên cơ sở thực tế đặc điểm ở vùng miền, có sự tham gia của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, của toàn thể cha mẹ học sinh và học sinh trong trường. Mục tiêu của việc xây dựng cơ chế là để có một quy định cụ thể, rõ ràng, nhắc nhở người lớn cũng như trẻ em trong trường thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Quy định trên giúp cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong nhà trường có khả năng nhận biết, thông báo và xử lý các hình thức xâm hại và bạo lực đối với trẻ em. Xây dựng cơ sở pháp lý quy định, hướng dẫn cơ chế, quy trình và các hoạt động bảo vệ trẻ em trong trường học.

Nhắc nhau cùng thực hiện

Việc lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chuyên môn, cán bộ, nhân viên; của toàn thể phụ huynh, học sinh nhà trường là vô cùng quan trọng. Tuy nghiên, Ban giám hiệu nhà trường cũng cần điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán địa phương nhưng vẫn đảm bảo quyền trẻ em theo luật định.

Sau khi ban hành, cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường đều phải thực hiện. Quy chế cho cán bộ, giáo viên được in ấn (có thể trình bày đẹp, rõ ràng) để ở nơi mọi người hàng ngày nhìn thấy như phòng hội đồng, phòng chờ, phòng họp, phòng bảo vệ... Quy chế cho học sinh để ở bảng tin, bảng thông báo, nơi học sinh thường qua lại hoặc có thể mỗi lớp có 1 bản treo tại lớp học của mình.

Để giám sát việc thực hiện quy chế của cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà trường cần thành lập ban bảo vệ trẻ em, có trách nhiệm tư vấn, giải quyết kịp thời những biểu hiện, hành vi tiêu cực, vi phạm quy chế trên theo quy định của nhà trường. Thành lập phòng tư vấn tâm lý hoặc đường dây nóng hỗ trợ trẻ để các em tìm được nơi chia sẻ những băn khoăn, lo lắng. Thầy cô, gia đình qua đó cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của con em mình để cùng đồng hành, giúp đỡ. Có như vậy mới từng bước ngăn ngừa và chấm dứt những hành vi xâm hại, vi phạm quyền trẻ em ở trường học. Đồng thời, giúp mối quan hệ của các thành viên trong trường thân thiện, gắn bó, trách nhiệm hơn.

   Quy chế bảo vệ trẻ em trong trường học cần quy định rõ ràng những việc bắt buộc phải làm và không được làm với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Cùng với đó là biện pháp xử lý, tùy theo mức độ vi phạm với từng đối tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ