Một trong những thách thức rất lớn đối với tỉnh Cà Mau cũng như nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề xâm nhập mặn ngày càng sâu và nguy cơ thiếu hụt nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất.
Để chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan phối hợp với địa phương tiếp tục nghiên cứu cụ thể các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trên cơ sở đó xây dựng phương án chủ động ứng phó với thiên tai, bão lớn và biến đổi khí hậu; chỉ đạo rà soát quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tập trung nghiên cứu các giải pháp ứng phó
Đối với định hướng về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần ưu tiên bảo vệ rừng ngập mặn ven biển hiện có, từng bước đầu tư khôi phục lại rừng ngập mặn ven biển đã bị suy thoái; cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác trồng, khôi phục rừng ngập mặn, gắn với chính sách quản lý khai thác phù hợp; rà soát sắp xếp ưu tiên, tiếp tục tập trung nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê biển, công trình kiểm soát mặn theo quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, gắn với liên kết vùng.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đây là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực nên cần có sự hợp tác giữa các viện khoa học, các nhà khoa học để có được giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực nhằm đảm bảo công trình bền vững, kinh tế hơn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trên cơ sở các mô hình công trình chống xâm thực bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn ven biển đã thực hiện ở một số địa phương, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá sớm đưa ra được các mô hình phù hợp, hiệu quả đối với từng khu vực để phổ biến, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí đầu tư...