Như Báo GD&TĐ đã đưa tin, mới đây, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP. Biên Hòa) đã đình công để phản đối doanh nghiệp (DN) cắt giảm mức thưởng Tết.
Sự cố này khiến lực lượng chức năng rất vất vả mới vãn hồi được trật tự. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp công đoàn là phải gần gũi, sâu sát hơn nữa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình lao động, việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) để ngăn ngừa sự việc tương tự xảy ra.
Trao đổi với phóng viên chiều ngày 8-1, ông Hồ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở liên tục sát sao nắm bắt tình hình, để kịp thời có chính sách hỗ trợ công nhân lao động.
Đẩy mạnh thương lượng với DN sớm có kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán cũng như việc chi trả chế độ, chính sách đầy đủ, giúp NLĐ yên tâm gắn bó, giữ ổn định quan hệ lao động.
Trở lại câu chuyện ở Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, ngay sau khi công nhân đình công, cùng ngày 7-1, (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, LĐLĐ TP. Biên Hoà cùng các cơ quan chức năng lập tức làm việc với Ban giám đốc Công ty để nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất, quan hệ lao động tại doanh nghiệp có tới hơn 16.000 công nhân này.
Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN trong những tháng cuối năm 2021 và trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai sớm lập kế hoạch và đặc biệt quan tâm.
Năm 2021, ngành chức năng nhận định, thời điểm dịch bệnh khó khăn, NLĐ đều trông chờ vào thưởng Tết để trang trải cuộc sống, trong khi DN cũng trong quá trình khôi phục sản xuất, nếu không tính toán hợp lý các chế độ, chính sách rõ ràng, rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Vì thế, ngay trong những tháng cuối năm vừa qua, trong kế hoạch đảm bảo quan hệ lao động hài hòa tại DN, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cán bộ công đoàn cơ sở nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn để khéo léo thương lượng các chính sách nhằm cải thiện cuộc sống của NLĐ.
Đồng thời, LĐLĐ cũng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để công nhân tăng cường sản xuất, chủ động phòng dịch Covid-19, cùng DN nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Trước đó, 3 quý đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ ngừng việc tập thể với hơn 9.000 CNLĐ tham gia, xảy ra rải rác ở các TP Biên Hòa, Long Khành và các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu.
Khi sự việc xảy ra, các cấp Công đoàn đã cùng đoàn công tác địa phương đến làm việc với lãnh đạo các công ty; đồng thời, vận động NLĐ trở lại làm việc ổn thỏa.
Thực tế, sau khi người sử dụng lao động đối thoại với NLĐ và thông báo giải quyết chế độ, chính sách theo đúng quy định, NLĐ đã trở lại làm việc bình thường.
Trước thực trạng trên, dư luận cho rằng, để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu các đơn hàng gấp rút cuối năm của DN, giữ nguồn lực lao động ở lại lâu dài, các công đoàn cơ sở, nhất là thủ lĩnh công đoàn tại chỗ, cần thường xuyên gặp gỡ đối thoại, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của công nhân.
Muốn ổn định tâm lý làm việc của NLĐ, quan trọng hơn là cán bộ công đoàn phối hợp với chủ DN quan tâm thiết thực chế độ phúc lợi, thực hiện đúng các chính sách đã cam kết với công nhân trong nội dung thỏa ước lao động tập thể.