Cần chính sách siết tín dụng bất động sản

GD&TĐ - Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu siết tín dụng bất động sản mà thiếu chọn lọc sẽ khiến ước mơ có nhà ở của người nhu cầu thật ngày càng xa vời…

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên đưa ra chính sách quản lý nguồn vốn vào bất động sản thật nhanh chóng và hợp lý theo hướng chọn lọc. Ảnh: Internet
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên đưa ra chính sách quản lý nguồn vốn vào bất động sản thật nhanh chóng và hợp lý theo hướng chọn lọc. Ảnh: Internet

Nguồn vốn là sự sống của doanh nghiệp

Trước việc Nhà nước thực hiện chính sách siết tín dụng vào bất động sản nhằm tránh hiện tượng bong bóng xảy ra ở nhiều địa phương, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Nguồn vốn là sự sống của doanh nghiệp, nếu siết nguồn vốn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng đưa ra chính sách cụ thể như, siết vốn ở phân khúc nào? Tạo điều kiện ở phân khúc nào?...

Ông Ngô Trí Long cho biết: Hiện, có 2 nguồn vốn được huy động cho doanh nghiệp. 1 là vốn vay ngân hàng. 2 là nguồn vốn từ huy động trái phiếu. Cơ quan chức năng cần có chính sách quản lý linh hoạt với 2 nguồn vốn này để doanh nghiệp thuận lợi trong làm ăn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua là có. Nhưng hiện tượng đó tập trung chủ yếu ở mảng phân lô bán nền, đẩy giá cao hơn thực tế.

Ngoài ra, phân khúc biệt thự cao cấp cũng đang được đẩy giá rất cao ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, khu vực Ciputra, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, mỗi căn biệt thự có giá từ vài chục cho đến hàng trăm tỷ đồng. Giá mỗi mét vuông đất tại đây cũng lên đến 300 triệu đồng. Ở khu vực ngoại ô Hà Nội, giá cũng ở mức rất cao.

Tại đầu tàu kinh tế là TPHCM, giá nhà ở cũng đang neo ở mức cao. Lượng cung nhà ở xã hội, phân khúc chung cư cũng có giá lên đến trên 2 tỷ đồng/căn. Ở chiều ngược lại, thu nhập của người lao động trở nên khó khăn do ảnh hưởng tình hình lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao…

Do khan hiếm nguồn cung xảy ra ở tất cả các phân khúc, nên giá bất động sản ngày một tăng.

Với việc siết nguồn vốn vào bất động sản, nếu cơ quan quản lý không cân nhắc kỹ lưỡng có thể dẫn đến kịch bản phản tác dụng. Cụ thể: Giữa lúc nguồn cung cạn kiệt, Nhà nước lại siết nguồn vốn thì có thể khiến giá bất động sản tiếp tục leo thang. Nếu giá nhà ở tiếp tục neo ở mức cao thì ước mơ sở hữu ngôi nhà, mảnh đất của hàng triệu người lao động ngày càng phi thực tế.

Với những bất cập trên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng: Nhà nước cần có chính sách khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp một cách hợp lý. Trong đó, đảm bảo nguồn vốn từ ngân hàng được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.

Tiếp đến là nguồn vốn từ huy động trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được quản lý phù hợp. Mục đích là tạo điều kiện để doanh nghiệp đủ sức phát triển, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc ban hành chính sách của Nhà nước cần phải được tiến hành nhanh chóng. Bởi những dấu hiệu tích cực và cả tiêu cực từ việc siết nguồn vốn vào bất động sản đã phản ánh một phần vào thị trường thời gian qua.

Đó là tình trạng bong bóng bất động sản có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại chứng kiến pha lao dốc mạnh mẽ của hàng loạt cổ phiếu bất động sản.

Có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng: Nếu Nhà nước không có chính sách quản lý nguồn vốn vào bất động sản hợp lý, có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực với nền kinh tế.

Trong khi cái được từ việc dập tắt bong bóng bất động sản thì lại rất nhỏ. Lý do là bất động sản có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như xây dựng hạ tầng, dịch vụ, du lịch, an sinh xã hội…

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2022 đến nay, nguồn tín dụng vào bất động sản chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Trong khi ở giai đoạn 2021, tỷ lệ này là 28% tổng dư nợ.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời báo chí cho biết: Sắp tới, nguồn tín dụng vào bất động sản có thể sẽ được siết chặt hơn nữa. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn tập trung cho đối tượng có mục đích mua nhà ở thật, hạn chế đối tượng mua nhà với mục đích đầu cơ.

Nhiều người cho rằng, trong khi Nhà nước chưa hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn – như tiêu chí phân loại đâu là người mua nhà ở thật, đâu là mua nhà đầu cơ? Có nên đánh thuế người sở hữu từ 2 bất động sản trở lên… thì giá nhà đã tăng thêm hàng chục %. Điều này dẫn đến việc người có nhu cầu mua nhà ở thật gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn cung với giá hợp lý.

Những nguy cơ từ siết tín dụng bất động sản hiện đã được cơ quan chức năng nghiên cứu. Tuy nhiên mới chỉ đang ở giai đoạn đề xuất, trong khi việc này đã tác động ngay đến thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng trả lời báo chí ngày 6/5 tại buổi đối thoại “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế” cho biết: Bộ đang đề xuất Chính phủ để Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi một số Luật và Nghị định nhằm khơi thông dòng vốn vào bất động sản theo hướng chọn lọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.