Nhiều địa phương với số lượng học sinh đông, kinh tế phát triển đã mạnh dạn xin cơ chế để hoàn thiện đội ngũ, tập trung nguồn lực cho y tế học đường.
Cần “an cư”
Các trường học đang bối rối với 4 vị trí việc làm: Thủ quỹ, văn thư, kế toán, y tế. 4 vị trí nhưng trường chỉ được tuyển không quá 2 người.
Nhiều trường phải cân nhắc trong việc tuyển chọn, đa số ký hợp đồng với nhân viên y tế.
Tuy nhiên, mức lương thấp mà áp lực công việc lại lớn nên các trường khó giữ chân được nhân sự.
Đây là khó khăn chung của không ít cơ sở giáo dục trên cả nước.
TPHCM hiện có khoảng 2.000 trường học.
Theo quy định, mỗi trường cần 1 nhân viên y tế. Chuẩn của nhân viên y tế phải là từ y sĩ trở lên (trung cấp Y trở lên).
Thế nhưng thành phố hiện chỉ có gần 1.500 trường có nhân viên y tế đạt chuẩn.
Trong 500 nhân viên y tế chưa đạt chuẩn quy định, hơn 100 người không có chuyên môn y tế, số còn lại chỉ đạt trình độ sơ cấp y tế.
Liên quan đến vấn đề nhân viên y tế trường học, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Những năm gần đây, Sở GD&ĐT có ý kiến về việc tuyển nhân viên y tế học đường gặp khó khăn. Việc này phần nào ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho HS.
“Nhân viên y tế học đường là cầu nối quan trọng giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục để chăm sóc sức khỏe học sinh.
Nhiều ý kiến đề xuất, nếu không có nhân viên y tế trường học thì sử dụng nhân sự trạm y tế phường, nhưng tôi cho rằng không phù hợp” - ông Hưng nói.
Lý giải điều này, theo ông Hưng, trạm y tế phường có rất nhiều công việc liên quan đến cộng đồng, trong khi nhân viên y tế trường học phải chăm sóc sức khỏe HS thường xuyên và liên tục.
Những người này còn triển khai các hoạt động y tế trong trường như an toàn thực phẩm, lập kế hoạch theo dõi sức khỏe cho HS, hỗ trợ tư vấn vấn cho ban giám hiệu có những đánh giá, theo dõi người học…
Theo chia sẻ của các nhân viên y tế trường học ở TP Thủ Đức (TPHCM), hiện vẫn chưa có mã ngạch cho vị trí này.
Khối lượng và áp lực công việc của nhân viên y tế trường học không kém gì các bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế, bệnh viện. Thế nhưng thu nhập của họ lại rất thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế.
Vì thế không có nhiều người làm công tác này chuyên tâm, nhiệt huyết hoặc muốn gắn bó lâu dài với y tế học đường.
Nhìn nhận đúng vị trí vai trò
Trước khó khăn trong công tác y tế trường học, một số địa phương đã nỗ lực tìm giải pháp vừa bảo đảm nguồn tuyển, lẫn đời sống cho nhân viên.
Hiện các trường học ở TP Cần Thơ luôn thực hiện tốt việc vận động 100% HS tham gia bảo hiểm y tế.
Một phần kinh phí trích lại từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế được cấp cho các trường để trang bị thêm phương tiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), thời gian qua, y tế trường học của thành phố được chú trọng.
Nếu như trước đây, công tác y tế học đường chỉ là vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS và rất hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thì nay được các cấp, các ngành cùng quan tâm, nâng chất.
Nhiều giải pháp được thực hiện như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trường học; Kêu gọi các nguồn đầu tư cải thiện điều kiện vật chất, trang thiết bị y tế…
“Mỗi trường có 1 cán bộ y tế nhưng giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế vẫn cần có kế hoạch liên tịch.
Công tác y tế trường học là nhiệm vụ chung của cơ sở y tế địa phương và nhà trường chứ không chỉ riêng cán bộ y tế trường học.
Cán bộ y tế trong trường học không đơn độc xử lý các tình huống mà còn có sự hỗ trợ của ngành Y tế địa phương”, ông Nhân cho biết.
TPHCM cũng kiên trì kiến nghị cho phép tuyển dụng viên chức là nhân viên y tế trường học.
Do những khó khăn, thiếu hụt về nhân sự thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán trong trường học, Sở Nội vụ TPHCM đã phối hợp với Sở GD&ĐT kiến nghị UBND thành phố ban hành nhiều văn bản để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho phép tuyển dụng viên chức vào vị trí y tế tại các cơ sở mầm non, phổ thông công lập.
Đầu năm 2021, UBND thành phố tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nội dung này đồng thời đề xuất UBND thành phố trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, hoàn thiện đề án vị trí việc làm để làm cơ sở xác định số lượng người làm việc và nhu cầu tuyển nhân viên trường học (trong đó có nhân viên y tế, kế toán).
UBND thành phố xem xét, quyết định việc tuyển dụng và bố trí nhân viên trường học; bảo đảm không tăng tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở Nội vụ trình UBND thành phố giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện thực hiện theo hướng dẫn Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, việc hợp đồng với nhân viên y tế được các trường ở TPHCM linh hoạt từ nguồn thu của từng trường.
Để tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế, một số trường tạo điều kiện cho họ vào thời gian rảnh tham gia hỗ trợ thêm việc thu ngân, phục vụ bán trú…
Tuy nhiên, về lâu về dài, để đội ngũ này yên tâm công tác, nâng cao chuyên môn, gắn bó lâu dài với trường, tận tụy chăm lo sức khỏe cho HS thì cần có chính sách bảo đảm về đời sống.