Cần chế độ bảo hiểm đặc thù nghề xiếc

GD&TĐ - Những năm gần đây, nhiều tiết mục xiếc thú đưa nghệ sĩ xiếc “ghi danh” trên bản đồ nghệ thuật xiếc trong khu vực và quốc tế. 

Cần chế độ bảo hiểm đặc thù nghề xiếc

Tuy nhiên, để có những thành công ấy, người nghệ sĩ gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn này đã phải có những đánh đổi không nhỏ...

Sinh nghề tử nghiệp

Gần đây, tại hội diễn xiếc ở phố Động (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam), sự kiện nam diễn viên bị cá sấu cắn rách mặt lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề bảo hiểm nghề nghiệp đặc thù cho nghệ sĩ tham gia biểu diễn nghệ thuật... Thực tế, với người làm nghề có kinh nghiệm trong bộ môn xiếc thú nhiều lúc cũng bị thú phản chủ đe dọa tính mạng.

Làng xiếc Việt vẫn còn nhớ sự việc nghệ sĩ xiếc thú Hoàng Minh Chấn bị một con báo tát mất một bên má, phải tiến hành phẫu thuật chỉnh hình rất phức tạp. Hay sự việc của nữ nghệ sĩ Huyền Thanh bị một chú chó cắn vào tay trong quá trình luyện tập...

Chính những tai nạn cay nghiệt từ xiếc thú khiến công chúng không khỏi lo ngại cho người làm nghề, bởi sự nhọc nhằn lẫn hiểm nguy các nghệ sĩ phải đối mặt thường trực lúc biểu diễn và cả khi huấn luyện thú.

Anh Nguyễn Đình Trường, người 25 năm gắn bó với Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Xiếc thú luôn là những tiết mục hấp dẫn đối với mọi người. Tuy nhiên, tai nạn do các con thú gây ra khi biểu diễn năm nào cũng có và ở mức độ khác nhau.

Do vậy, diễn viên xiếc thú phải luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt với hiểm nguy, họ có thể bị văng ra khỏi sân khấu bất cứ lúc nào, mức độ nặng nhẹ là do phản xạ của từng người”.

Để mang lại tiếng cười cho mọi người, cả người và những con vật phải trải qua quá trình “đào tạo” vô cùng khắc nghiệt. Họ phải luôn “khổ luyện” hàng ngày để tiết mục biểu diễn được nhuần nhuyễn và để tránh cả những tai nạn mà các nghệ sĩ luôn phải đối mặt.

Anh Trương Mạnh Cường, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, hầu hết các loài động vật hoang dã dù đã được thuần dưỡng, sau thời gian vận chuyển, biểu diễn mệt mỏi hay thời tiết thay đổi đều bộc lộ bản tính hoang dã của mình. Do vậy, diễn viên xiếc thú phải luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt với hiểm nguy.

Đối với xiếc thú, thời gian để con thú tập luyện thành công không thể tính bằng ngày tháng, có thể nhiều năm mới cho “ra lò” được một vài con thú biết diễn.

Trong khi đó, những người nghệ sĩ nuôi thú không khác gì mẹ chăm con. Nếu không đầu tư tâm sức, thời gian gắn bó hàng ngày với con thú được huấn luyện hoặc chỉ lơ là chủ quan, mất cảnh giác, người huấn luyện dễ gặp rủi ro.

Cần sớm có quy định an toàn lao động trong nghệ thuật

Ông Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, nói đến hoạt động nghệ thuật xiếc, việc thường xuyên xảy ra tai nạn là không thể tránh khỏi, thậm chí diễn viên xiếc phải sống chung với bệnh nghề nghiệp suốt cả đời và chịu nhiều thiệt thòi.

Lao động nghệ thuật trong môi trường có tính rủi ro cao như thế nhưng bảo hiểm cho nghệ sĩ biểu diễn đang là bài toán khó. Theo ông Phạm Xuân Quang, Liên đoàn là đơn vị trực thuộc Bộ VH,TT&DL và là đơn vị sự nghiệp có thu, chi phí cho diễn viên phải phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị.

Dù đã cố gắng, đơn vị cũng mới mua được bảo hiểm thông thường cho diễn viên còn chưa thể mua bảo hiểm đặc thù nghề nghiệp, ví dụ như bảo hiểm cho chương trình, nước ngoài họ làm lâu rồi, còn trong nước thì chịu.

Lý do là bảo hiểm cho chương trình phí rất cao. Mỗi chương trình mang về doanh thu vài chục triệu đồng mà mua bảo hiểm hết 20 triệu đồng thì không thể có nguồn thu để chi phí cho đội ngũ nhân lực, phục vụ tái tạo sức lao động.

Với đơn vị xiếc chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam như Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như thế thì việc trang bị bảo hộ, bảo hiểm cho diễn viên của các nhóm, đoàn xiếc nhỏ lẻ vốn ít chịu sự kiểm soát chặt chẽ thì sẽ càng khó đảm bảo được thực hiện.

Theo ông Phạm Xuân Quang, cần xây dựng cơ chế đồng bộ về an toàn vệ sinh lao động đối với ngành nghề có rủi ro cao như nghệ thuật xiếc để có chính sách phù hợp cho người lao động.

Mới đây, Bộ VH,TT&DL đang lấy ý kiến cho Thông tư quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao. Hi vọng khi Thông tư ban hành sẽ giảm những rủi ro tai nạn, tránh thiệt thòi và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ