Một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 là thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm với 2 nội dung.
Thứ nhất là Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Thứ hai là Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Về Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, Sở Giao thông Vận tải đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố.
Sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực Nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng.
Không phải đến bây giờ, người dân thành phố mới được “tiếp cận” với các chủ trương, giải pháp, đề án liên quan đến dừng hoặc hạn chế hoạt động xe máy. Nhưng từ chủ trương, đề xuất... đến thực hiện vẫn là khoảng cách rất lớn, thậm chí là không khả thi.
Như với Đề án thu phí phương tiện vào nội đô dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10 vừa qua, thành phố đã có Văn bản số 3863 nêu rõ: Việc xem xét, phê duyệt Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.
Do đó cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của đề án đến xã hội, người dân, bảo đảm chặt chẽ điều kiện về pháp lý; nghiên cứu làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau...
Theo số liệu thống kê, đến năm 2020, TP Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy, gần 700 nghìn ô tô các loại và 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông. Về tốc độ gia tăng, từ năm 2019, mỗi tháng, thành phố cấp đăng ký mới cho khoảng 27 nghìn phương tiện.
Với mức độ gia tăng như vậy, chuyện tắc đường, ô nhiễm là khó tránh khỏi, thậm chí đến đến năm 2025 sẽ không đủ đường cho các phương tiện lưu thông. Cho nên, việc tính toán các phương án nhằm hạn chế gia tăng phương tiện, giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm môi trường là điều cần thiết.
Tuy nhiên, đến nay, không chỉ Hà Nội mà một số địa phương khác vẫn đang loay hoay bởi câu hỏi đơn giản là nếu cấm thì người dân sẽ đi lại bằng gì? Hay với việc thu phí. Đây thực sự là bài toán khó vì khi đó cần kiểm soát tất cả các lối vào; sẽ có nhiều phương tiện dồn về những vị trí không đặt thiết bị thu phí - vô hình trung tạo sự dịch chuyển dòng giao thông, có thể gây ùn tắc tại những vị trí khác.
Rõ ràng, việc hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết, nhưng giải pháp nào, lộ trình thực hiện ra sao phải được xây dựng dựa trên các điều kiện thực tiễn chứ không phải duy ý chí. Không phải chỉ dựa trên lý thuyết là sẽ phát triển các phương tiện công cộng. Nhưng đến bao giờ phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân lại chưa có câu trả lời rõ ràng.