'Cần câu cơm' của người Thái trắng Mai Châu

GD&TĐ -Từ lâu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái trắng huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt. Nghề này đang tạo ra thu nhập đáng kể cùng với hoạt động du lịch và được địa phương xác định sẽ tiếp tục gìn giữ, lưu truyền.

Cô gái Thái Mai Châu duyên dáng dệt vải thổ cẩm bên khung cửi.
Cô gái Thái Mai Châu duyên dáng dệt vải thổ cẩm bên khung cửi.

Phát huy giá trị văn hóa

Thời gian gần đây, Mai Châu đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những sản phẩm du lịch cộng đồng, homestay… Nét đẹp văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách đến Mai Châu chính là các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, đậm chất sáng tạo trên từng màu sắc, họa tiết, hoa văn của đồng bào Thái ở đây.

Là người đi đầu trong gìn giữ, quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, huyện Mai Châu, cho biết: “Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dệt thổ cẩm của người Thái, tôi đã thành lập hợp tác xã để thu hút nhiều chị em ở các xóm tham gia. Các sản phẩm được chúng tôi sản xuất là những bộ trang phục, đồ trang trí, phụ kiện… làm từ vải thổ cẩm. Tất cả sản phẩm đều được làm thủ công, tỉ mỉ, chất lượng, đẹp mắt trong từng công đoạn đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Cũng theo bà Oanh, chính từ nghề này đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho xã viên. “Hàng năm, hợp tác xã đều tiếp đón hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm tham quan. Qua đó, vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho lao động địa phương, vừa góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Thái. Không những thế, còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ đó, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp hơn”, bà Oanh nói.

Từ lâu, nghề dệt vải thổ cẩm thủ công truyền thống của người Thái trắng Mai Châu đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo. Với tình yêu dành cho nghề dệt thổ cẩm, người phụ nữ Thái nơi đây vẫn miệt mài ngày, đêm làm bạn với từng đường kim, sợi chỉ, con thoi, khung cửi.

Ngày trước, dệt thổ cẩm hay thêu thùa đều là công việc mà các cô gái Thái cần phải biết khi đến tuổi trưởng thành. Bởi theo quan niệm của người dân địa phương, đó là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của một thiếu nữ.

Thích ứng với thời đại công nghệ

Các sản phẩm như: Túi xách, ví, mũ, gối, khăn được tạo nên bởi vải thổ cẩm, để bán cho người tiêu dùng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Các sản phẩm như: Túi xách, ví, mũ, gối, khăn được tạo nên bởi vải thổ cẩm, để bán cho người tiêu dùng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Theo bà Vì Thị Oanh, trước sự phát triển của công nghệ số 4.0, mọi sinh hoạt vật chất, tinh thần của đồng bào có những đổi thay rõ nét. Đáng kể là một số nét văn hóa truyền thống đang dần mai một. Giới trẻ cũng chẳng mấy thiết tha. Bởi thế, chỉ con một số ít nơi giữ được nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Nhận thức được điều này, đồng bào Thái ở Mai Châu vẫn luôn nỗ lực gìn giữ, duy trì và phát triển. Mỗi dịp ghé thăm nơi đây, du khách vẫn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang cặm cụi bên khung cửi dệt vải.

Họ không chỉ dệt ra những sản phẩm phục vụ cho gia đình, mà còn là hàng hóa cung cấp cho du khách thập phương. Nghề này được người dân coi trọng như “cần câu cơm” bởi nó mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Anh Toni (du khách đến từ Vương quốc Anh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và du lịch trải nghiệm ở Mai Châu. Khi đặt chân đến vùng đất này, tôi thấy cảnh quan thiên nhiên trong lành, mát mẻ, con người thân thiện, mến khách.

Tôi đặc biệt ấn tượng với nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái. Tôi thấy các họa tiết hoa văn rất đẹp mắt. Khi thấy các cô gái Thái mặc bộ váy truyền thống ngồi dệt bên khung cửi trước hiên nhà sàn, đôi bàn tay đưa con thoi qua lại rất điêu luyện, tôi nghĩ không phải ai cũng có thể dệt nhuần nhuyễn được như vậy”.

Truyền dạy để giữ nghề...

Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, người phụ nữ Thái đã sáng tạo thiết kế nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại như: Túi, ví, mũ, thú bông với nhiều màu sắc sặc sỡ, hoa văn phong phú. Qua những lần giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong huyện, tỉnh và thậm chí là ở Hà Nội, vải thổ cẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thùy Dung (du khách đến từ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Được sự giới thiệu của bạn bè, tôi cùng gia đình sắp xếp lịch trình đến huyện Mai Châu. Trong thời gian tham quan, tôi thích nhất là được trải nghiệm dệt vải thổ cẩm của người Thái trắng.

Cảm giác ngồi bên khung cửi thật khó tả. Để dệt lên một tấm vải thổ cẩm không phải điều đơn giản, nó đòi hỏi người dệt phải khéo tay, kiên nhẫn thì mới tạo nên họa tiết hoa văn đẹp. Sau chuyến đi này, tôi đã mua một số quà lưu niệm làm bằng vải thổ cẩm dành tặng người thân, bạn bè và đồng nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, nhận định: Trước đây, vải thổ cẩm làm ra chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cộng đồng người Thái. Nay, nhiều sản phẩm như: Mũ, ví, khăn, túi xách... được bày bán ở các khu chợ trung tâm và homestay để thu hút khách du lịch mua sắm. Để có kết quả này là nhờ có những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái đã cung cấp các sản phẩm chất lượng ra thị trường.

“Nghề dệt vải thổ cẩm là biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Thái, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua đó, tạo điều kiện cho du khách thập phương và nước ngoài tham quan trải nghiệm, quảng bá hình ảnh con người Mai Châu. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Mục tiêu nhằm góp phần bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc này”, ông Nguyễn Văn Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.